Việt Nam là quốc gia có khá nhiều địa danh được công nhận là Di sản Thế giới. Mỗi di sản đều có tính chất cũng như đặc điểm, giá trị khác nhau, mang lại nhiều giá trị độc đáo cho nước nhà. Cùng điểm qua những di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới tại Việt Nam nhé!
DI SẢN THẾ GIỚI LÀ GÌ? CÓ MẤY LOẠI DI SẢN THẾ GIỚI?
Thông thường ta vẫn hiểu, di sản là thứ tài sản được truyền lại hay được kế thừa từ quá khứ/từ các thế hệ tiền bối.
Nhưng đúng theo quy định của chính phủ, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (sau đây gọi chung là di sản thế giới) là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Việt Nam có giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa và thiên nhiên, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (sau đây gọi chung là UNESCO) ghi vào Danh mục Di sản thế giới.
Các di sản thế giới được phân chia thành:
- Di sản văn hóa thế giới;
- Di sản thiên nhiên thế giới;
- Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hỗn hợp.
Dưới đây, hãy cùng tìm hiểu qua từng di sản thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận nhé!
DI SẢN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI
Vịnh Hạ Long
Được công nhận là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của nhân loại (năm 2002) và di sản thiên nhiên thế giới (năm 1994), Vịnh Hạ Long là niềm tự hào của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Vịnh nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, thuộc một phần phía tây Vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Vịnh Hạ Long có tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Vùng Di sản Thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông).
Tham gia chuyến du ngoạn tới Vịnh Hạ Long, du khách sẽ được ngắm nhìn những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, cái nôi cư trú của người Việt cổ, nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng. Không những vậy, vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái độc đáo cùng và hàng nghìn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng.
Phong Nha – Kẻ Bàng
Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới: lần thứ nhất vào tháng 7/2003 tại Hội nghị lần thứ 27 họp ở Paris (Pháp) và lần thứ 2 vào tháng 7/2015 tại Hội nghị lần thứ 39 họp ở Bonn (Cộng hòa Liên bang Đức).
Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được ví như một bảo tàng địa chất khổng lồ có giá trị và mang ý nghĩa toàn cầu bởi cấu trúc địa lý phức tạp. Trải qua hơn 400 triệu năm phát triển với nhiều giai đoạn biến chuyển đã tạo nên các dãy núi trùng điệp, các bồn trầm tích, những cảnh quan kì ví, hùng vĩ khiến du khách phải trầm trồ thán phục.
DI SẢN THẾ GIỚI HỖN HỢP
Quần thể danh thắng Tràng An
Quần thể danh thắng Tràng An nằm ở huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp, thành phố Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía đông nam. Nơi đây được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và di sản văn hóa thế giới năm 2014.
Tràng An hiện cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á nhờ sở hữu những giá trị nổi bật về kiến tạo địa chất, khảo cổ và thẩm mỹ.
Những bằng chứng khảo cổ ở quần thể danh thắng Tràng An được bảo tồn gần như nguyên trạng, là khi tư liệu quý giá thể hiện sự biến đổi quan trọng về môi trường kéo dài hơn 30.000 năm, ít nhất từ thời kỳ băng hà cuối cùng, lịch sử phát triển của loài người, các di tích văn hóa (đền, chùa, cung điện)…
Vẻ đẹp độc đáo của quần thể danh thắng Tràng An là nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên và văn hóa. Tới đây, du khách sẽ được ghé thăm khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
DI SẢN VĂN HÓA VẬT THỂ
Quần thể di tích cố đô Huế
Hội nghị lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Cartagena (Colombia) ngày 11 tháng 12 năm 1993 đã công nhận Khu Di tích cố đô Huế là Di sản văn hóa thế giới.
Trải qua gần 400 năm lịch sử (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi trở thành Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn.
Bố cục và tổng thể kiến trúc của quần thể di tích cố đô Huế rộng khoảng 500ha, được giới hạn bởi 3 vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ, gồm: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Đây là nơi được chọn là đất định đô nên việc xây dựng dựa theo các yếu tố phong thủy, ngũ hành rất quan trọng, góp phần tạo nên sự ổn định và hưng thịnh cho cả triều đại và quốc gia.
Tuy là một tổng thể khá hoàn chỉnh nhưng kiến trúc kinh thành và cung điện ở Huế lại không to lớn, choáng ngợp hay khô khan như kiến trúc của một số kinh đô khác. Đến đây, du khách sẽ được khám phá, ngắm nhìn những hình thái kiến trúc tinh tế, các công trình gắn bó với cảnh quan sông núi hữu tình, chứa đựng những nét lịch sử huy hoàng nhuốm màu thời gian.
Đô thị cổ Hội An
Đến với Quảng Nam, du khách không thể không ghé qua Phố cổ Hội An, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới vào tháng 12 năm 1999.
Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông – Tây, là một thương cảng phồn thịnh nhất của Đàng Trong trong triều đại các chúa Nguyễn. Phố cổ vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ… những con đường nho nhỏ chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ.
Cảnh quan phố phường Hội An sẽ đưa du khách hòa mình vào thế giới cổ kính thu nhỏ nhưng đầy sống động. Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.
Theo tài liệu thống kê, hiện nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích.
Khu đền tháp Mỹ Sơn
Quảng Nam không chỉ nổi tiếng với phố cổ Hội An mà còn có Thánh địa Mỹ Sơn, tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ. Nơi đây cũng được công nhận là một di sản thế giới tại Việt Nam.
Với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa, Thánh địa Mỹ Sơn chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua.
Dù di tích Mỹ Sơn đã trải qua thời gian và bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, nhưng những gì còn lại vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.
Trước những giá trị nổi bật này ngày 4 tháng 12 năm 1999, tại thành phố Marr kesk – Nước cộng hòa Marocco, khu di tích Mỹ Sơn được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO.
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội
UNESCO công nhận khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. Quần thể di tích này rộng 18,395ha gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội.
Hoàng thành Thăng Long gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Đây là di tích quan trọng bậc nhất Việt Nam, được xây dựng bởi các triều vua. Khám phá di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, ta sẽ thấy được lịch sử của 13 thế kỷ (từ thời kỳ tiền Thăng Long qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn) được tái hiện trong các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.
Thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ (còn được biết đến với tên gọi thành An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Nhai, Tây Giai) là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407. Năm 2011, thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Thành nhà Hồ được xây dựng năm 1397 và hoàn thành trong 3 tháng. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo cùng các vật liệu bền vững, trải qua hơn 6 thế kỷ, một số đoạn của tòa thành còn tương đối nguyên vẹn. Đây cũng là tòa thành làm bằng đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á cũng như số ít trên thế giới.
Việt Nam ta còn vô vàn những điều thú vị và lý thú đang chờ đợi các bạn khám phá, cùng tìm hiểu thêm những di sản văn hóa phi vật thể tại đây nhé!
Các bạn truy cập Facebook và YouTube để tìm hiểu thêm nhiều chuyến khám phá đầy thú vị trên mọi miền đất nước cùng Tiêu Dao Tử nhé!