Mỗi khi nhắc đến di tích lịch sử Nhà Mồ Ba Chúc, có lẽ ai nấy cũng đều rùng mình khi biết được câu chuyện đằng sau. Một vụ thảm sát Ba Chúc đầy man rợ đã diễn ra tại đây khiến cho 3.157 người dân vô tội đã ra đi. Cùng tìm hiểu kĩ hơn về khu di tích lịch sử Nhà Mồ Ba Chúc để nhìn rõ tội ác Khmer đỏ vẫn còn ám ảnh đối với người dân An Giang cho đến ngày nay.
>>> Di tích Nhà mồ Ba Chúc ở đâu? Nơi lưu giữ chứng tích tội ác Pôn Pốt
Lịch sử cuộc thảm sát Ba Chúc đầy man rợ
Tọa lạc dưới chân dãy Thất Sơn huyền bí, thị trấn Ba Chúc trước đây là xã Ba Chúc, chỉ cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 7km.
Vào thời điểm đầu năm 1977, số lượng người dân sinh sống tại Ba Chúc có hơn 16.000 người, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, làm các sản phẩm thủ công và buôn bán nhỏ lẻ. Nơi đây cũng chính là vùng đất đã khởi nguồn của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Người dân sẽ thường tổ chức nên nhiều buổi sinh hoạt lễ hội, cúng bái để gắn kết đời sống tinh thần.
Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, cùng với cả nước, nhân dân xã Ba Chúc bước vào khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì nơi đây lại phải gánh chịu cuộc chiến tranh diệt chủng đẫm máu do sự tàn ác của quân Pol Pot (Khmer đỏ) gây ra.
Đúng vào đêm 30/4/1977 thì quân Pôn Pốt đã cùng lúc tiến vào 14 xã biên giới ở An Giang để tấn công, tàn sát người dân vô tội bằng những cách thức man rợ. Đỉnh cao chính là cuộc thảm sát từ ngày 18/4 đến 30/4/1978 khi có đến 3157 người dân của Ba Chúc bị Pôn Pốt sát hại. Suốt 12 ngày đêm, nơi đây như chìm trong biển máu.
Quân Pôn Pốt tàn ác không chỉ cướp bóc tài sản, đốt phá nhà ở của người dân Ba Chúc mà còn tàn sát rất nhiều người dân vô tôi, không kể già trẻ lớn bé. Những nạn nhân bị Pôn Pốt áp dụng rất nhiều cách thức giết người man rợ không bút mực nào có thể tả hết. Từ chém, bắn, chặt đầu, đóng cọc và người, xé đôi cơ thể,..
Trong số những địa điểm bị phá hủy nặng nề nhất tại Ba Chúc chính là chùa Phi Lai. Nơi này đã bị quân Pôn Pốt tàn sát gần 300 người, có 43 người lẩn trốn phía dưới bàn thờ trong chùa cũng bị chúng ném lựu đạn giết chết đến 40 người.
Ở chùa Tam Bửu thì có 800 người dân bị quân Pôn Pốt bắt ra cầu sắt Vĩnh Thông, giồng Ông Tướng và một số khu vực khác ở Ba Chúc để bắn chết. Những nơi như cánh đồng Phú Cường, núi Tượng ở Ba Chúc đã không còn mang màu xanh của cây cối mà thay vào đó chính là màu của tang thương, đẫm máu với hàng trăm xác người vô tội nằm chết chồng lên nhau.
Sau cuộc thảm sát diễn ra, Ba Chúc chỉ còn lại là một vùng đất tang hoang. Người còn sống thì mang bên mình nỗi đau thương đến tận cùng khi bị mất đi người thân, mất nhà cửa, chứng kiến nhiều cảnh tượng kinh hoàng, không ít người vì bị ám ảnh đến tột cùng nên không dám trở về quê hương mà phải đi tha phương. Cơ sở vật chất của vùng đất này khi ấy gần như đã bị san bằng hoàn toàn.
Có hơn 30 phái đoàn ngoại giao, báo chí ở nhiều quốc gia cùng với Tổ chức Liên Hiệp Quốc đã đến nơi đây để tận mắt chứng kiến tội ác mà quân đội Pôn Pốt đã gây ra cho người dân Ba Chúc. Hội chữ thập đỏ tỉnh An Giang đã cùng nhiều người gom xác của những người đã mất để hỏa táng vào tháng 4/ 1978.
Xây dựng Nhà mồ Ba Chúc – Tưởng niệm những nạn nhân vô tội bị sát hại
Những đồ vật còn sót lại sau cuộc thảm sát được thu gom và lưu giữ đến ngày nay như để minh chứng cho tội ác man rợ mà quân Pôn Pốt đã gây ra, rất nhiều xương người đã được cất giữ tạm ở phía sau chùa Phi Lai.
Đến khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc vào năm 1979, khi ấy nhà mồ đầu tiên được xây dựng để tưởng nhớ những người dân vô tội đã mất sau cuộc thảm sát Ba Chúc. Với hình dáng lục giác với 4 cánh tay đang cầm 4 thanh kiếm đẫm máu đang cắm xuống mặt đất. Điều này cho thấy được sự căm thù của người dân Ba Chúc, người dân Việt Nam đối với quân khơ me đỏ man rợ.
Vào ngày 10/7/1980 thì nhà mồ Ba Chúc được công nhận là di tích lịch sử quốc gia Việt Nam. Đến năm 2013 thì nơi đây đã được xây dựng lại thành dạng quần thể với nhiều công trình.
Tham quan quần thể công trình di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang
Quần thể công trình di tích lịch sử Nhà Mồ Ba Chúc có diện tích rộng khoảng 5ha. Gồm có 5 công trình là:
- Nhà mồ: nơi lưu giữ những bộ hài cốt của người dân vô tội bị giết trong cuộc thảm sát Ba Chúc. Với hình dáng thiết kế là 8 cánh hoa sen trắng, úp ngược xuống đất. Mỗi cánh hoa sen lại là nơi trưng bày một nhóm hài cốt của người dân được phân ra theo từng độ tuổi và giới tính khác nhau.
- Nhà lưu niệm: nơi có các hình ảnh, vết máu, các vật dụng minh chứng cho tội ác mà quân Pôn Pốt Khmer đỏ đã gây nên. Tất cả đều được ghi chú đầy đủ, rõ ràng nhất.
- Hội trường.
- Chùa Tam Bửu.
- Chùa Phi Lai.
Hình ảnh tội ác Khmer đỏ
Đến với Nhà mồ Ba Chúc, nhiều người không khỏi rùng mình khi tận mắt nhìn thấy những chứng tích còn sót lại sau cuộc thảm sát ở Ba Chúc. Từng hình ảnh, từng vật dụng, từng chiếc xương, sọ người càng minh chứng cho tội ác không thể tha thức của bọn Khơ me đỏ.
- Các bức ảnh trắng đen chụp lại tội ác mà Pôn Pốt gây nên: Đây chính là bằng chứng rõ ràng và đanh thép nhất để minh chứng cho tội ác man rợ không thể nào chối cãi được của bọn tàn bạo Pôn Pốt
- Vật dụng Pôn Pốt dùng để nhuốm máu, sát hại người dân Ba Chúc: Đây là các đồ vật được sử dụng cho mục đích hành hạ, tra tấn và giết hại người dân Ba Chúc (dùi, cọc, dao, búa,..). Tất cả đều được đặt trong tủ kính để khách tham quan có thể quan sát
- Những bộ đầu lâu, hài cốt của người dân vô tội Ba Chúc: Các bộ hài cốt, đầu lâu được sắp xếp cẩn thận, đặt ở nơi thoáng đãng để du khách tham quan không cảm thấy ghê sợ, rùng rợn. Luôn được hương khói nghi ngút để tưởng niệm cho người đã khuất, giảm bớt đi sự đau thương cho những người ở lại.
>>> Đường đi Nhà mồ Ba Chúc – chứng tích về cuộc thảm sát đẫm máu
An Giang hằng năm tổ chức lễ giỗ tập thể cho các nạn nhân trong vụ thảm sát Ba Chúc
Hằng năm, UBND huyện Tri Tôn kết hợp Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa tổ chức Lễ tưởng niệm Những nạn nhân Ba Chúc bị sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam (16/3/1978).
Lễ giỗ diễn ra tại Khu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Nhà mồ Ba Chúc, chùa Phi Lai và chùa Tam Bửu (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn).
Cuộc chiến tan thương đã qua đi để lại trong lòng người dân Ba Chúc nỗi đau thương và mất mát quá lớn. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Ba Chúc Tri Tôn An Giang đang từng ngày phấn đấu để xây dựng cuộc sống hòa bình và tươi đẹp. Khu vực Bảy núi An Giang đang trên đà phát triển du lịch vượt bậc trong tỉnh nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Có dịp về vùng đất Thất Sơn huyền bí này, mọi người nên ghé viếng thăm khu di tích lịch sử Nhà Mồ Ba Chúc để tưởng niệm những nạn nhân đã khuất khi ấy nhé!
>>> Cùng Tiêu Dao Tử khám phá vùng đất Thất Sơn huyền bí:
Khám phá núi Cấm về đêm – ngọn núi cao nhất trong cụm Thất Sơn huyền bí An Giang
Từ Cần Thơ đến Tri Tôn: Khám phá núi Cô Tô trong 1 ngày
Khám phá núi ông Két – vẻ đẹp hùng vĩ vùng Thất Sơn huyền bí
Nếu yêu thích, các bạn có thể truy cập Facebook và YouTube để tìm hiểu thêm nhiều chuyến đi đầy thú vị trên mọi miền đất nước Việt Nam và cả nước ngoài cùng Tiêu Dao Tử nhé!