TỪ CẦN THƠ ĐẾN TRI TÔN: KHÁM PHÁ NÚI CÔ TÔ TRONG 1 NGÀY - đi cùng Tiêu Dao Tử

TỪ CẦN THƠ ĐẾN TRI TÔN: KHÁM PHÁ NÚI CÔ TÔ TRONG 1 NGÀY

Khám phá núi Cô Tô

Núi Cô Tô là ngọn núi cao thứ 2 trong cụm Bảy Núi ở vùng đất linh thiêng An Giang. Chuyến khám phá núi Cô Tô lần này của chúng tôi sẽ cho các bạn thấy 1 trải nghiệm cực mới mẻ về ngọn núi này, từ quá trình leo bộ chinh phục đỉnh núi vào ban đêm đến tất tần tật các địa điểm không thể bỏ qua khi khám phá núi Cô Tô. Cùng xem chi tiết ở bài viết bên dưới nhé!

ĐÔI NÉT VỀ NÚI CÔ TÔ

Núi Cô Tô gọi tắt là núi Tô, tên Khmer là Phnom-Ktô, còn có tên gọi khác là Phụng Hoàng sơn, bởi nhìn từ xa ngọn núi như con chim phượng hoàng khổng lồ đang sải cánh giữa đồng bằng mênh mông, là một ngọn núi đẹp nằm trong cụm Thất Sơn (Bảy Núi), thuộc xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Khám phá núi Cô Tô
Núi Cô Tô dưới góc nhìn từ Hồ Soài So

Núi Cô Tô cao 614 m, dài 5.800 m, rộng 3.700 m. Vì ở một vùng bán sơn địa và do cấu tạo địa chất đặc biệt, nên nhiều nơi bên trong núi là một hệ thống hang động ngầm như tổ ong lớn, rất kiên cố và vững chắc. Vì vậy, hàng năm thu hút lượng lớn khách hành hương và các bạn trẻ đến khám phá núi Cô Tô.

NHỮNG CÂU CHUYỆN TÂM LINH XOAY QUANH NÚI CÔ TÔ

Trong quá trình khám phá núi Cô Tô, người ta phát hiện rằng cấu tạo núi Tô gồm những tảng đá cao và nặng nề, tạo cho bên dưới những kẽ đá lớn, nhỏ hình thành nhiều hang động, ngõ ngách. Ngọn núi này là khu căn cứ địa vững chãi của quân và dân tỉnh An Giang trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Có nhiều truyền thuyết gắn với tên của ngọn núi này, tiêu biểu như là truyền thuyết kể rằng từ thuở xa xưa, khi trời đất còn tối tăm, dãy Thất Sơn còn đầy vẻ hoang sơ… các tiên ông từ núi Cấm, núi Giày đã cùng nhau khiêng từng phiến đá xếp chồng lên nhau, xếp mãi cho đến lúc bình minh thì thành hình trái núi này. Vì là những chồng đá chất lên nhau giữa lòng núi hình thành nhiều hang động, ngõ ngách (người địa phương gọi là “lò ảng”) bí ẩn.

Khám phá núi Cô Tô
Núi Cô Tô được cấu tạo từ các tảng đá chất chồng lên nhau

Cũng có một số tương truyền cho rằng, ngày trước các tiên nữ thường hạ phàm xuống vùng Thất Sơn vào những đêm trăng sáng để vui chơi. Một hôm các nàng chơi trò ném đá và hôm sau nơi ấy xuất hiện một ngọn núi nhỏ. Các hòn đá chồng lên nhau với các hình dạng khác nhau tạo thành núi Cô Tô.

Một số người lại nói rằng, do núi có hình dáng giống như cái tô lật úp, nên người ta gọi là núi Tô. Nhiều người đến khám phá núi Cô Tô này cũng vì những truyền thuyết hình thành và đặt tên núi.

Bên cạnh các truyền thuyết liên quan đến quá trình hình thành núi Tô, tại đây còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện kì bí liên quan đến một loài rắn Hổ Mây khổng lồ (người dân nơi đây hay gọi là Ông Mây để thể hiện sự tôn kính), chuyện ông Hổ Mun về chùa hang bí ẩn ở núi Cô Tô, hay chuyện về hầm Chén Tiên được Chư Thần canh giữ trên núi Cô Tô,….

Khám phá núi Cô Tô
Khám phá núi Cô Tô để tìm hiểu về các câu chuyện tâm linh nơi đây.

Các câu chuyện truyền thuyết hình thành núi hay những câu chuyện kì bí về các loại vật linh thiêng tại đây lần lượt được truyền tai từ đời này sang đời khác, khiến cho núi Tô ngày càng trở nên thần bí và tâm linh, từ đó, nơi đây, hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách hành hương đến cúng viếng và khám phá núi Cô Tô.

KHÁM PHÁ NÚI CÔ TÔ TRONG 1 NGÀY

DI CHUYỂN TỪ CẦN THƠ ĐẾN NÚI TÔ

Tại trung tâm thành phố Cần Thơ, chúng tôi xuất phát để bắt đầu khám phá núi Cô Tô từ lúc 14h45 đến 15h30 tập trung tại một cây xăng gần Lộ tẻ Ba Xe trên địa bàn quận Ô Môn, Cần Thơ. Đến đây, trời bắt đầu kéo mây, cơn mưa kéo đến khiến chúng tôi bị trễ hơn 30 phút so với lịch trình dự kiến ban đầu.

Tuy nhiên, nhờ trời mưa mà đoạn đường từ Cần Thơ đến chân núi Cô Tô trở nên mát mẻ và không khí khá dễ chịu. Vì đoạn đường từ Cần Thơ đến Tri Tôn chỉ khoảng 116km, không quá xa nên phương tiện di chuyển mà chúng tôi lựa chọn là xe máy, 4 người 2 xe, chúng tôi bắt đầu di chuyển đến 16h45 ghé ngang một quán ăn ven đường để thưởng thức món cơm tấm Long Xuyên. Sau đó, 17h chúng tôi tiếp tục di chuyển đến chân núi Tô thì trời bắt đầu sụp tối.

khám phá núi Cô Tô
Bắt đầu hành trình khám phá núi Cô Tô với những khó khăn

Đến được chân núi Tô cũng đã 18h chiều, sau khi gửi xe máy và chuẩn bị hành trang leo núi, trời lại tiếp tục mưa. Cơn mưa lần này lớn hơn lúc trưa gấp nhiều lần, mưa xối xả, lúc đấy mấy anh em đều khá lo lắng vì trời mưa ở núi sẽ rất lâu tạnh, lại thêm trời đã rất tối. Nhưng may mắn, chỉ khoảng 30 phút sau thì tạnh mưa hẳn. Bốn người chúng tôi hăng hái xách balo và bắt đầu hành trình khám phá núi Cô Tô.

KHÁM PHÁ NÚI CÔ TÔ VÀO BAN ĐÊM

Một điểm thú vị trong hành trình khám phá núi Cô Tô trong 1 ngày của chúng tôi đó chính là leo bộ chinh phục đỉnh núi Cô Tô về đêm. Mình có một bài viết chi tiết hơn về cảm nhận leo núi Cô Tô vào ban đêm, bên cạnh đó còn có những tips mình nghĩ sẽ hữu ích cho những bạn thích trải nghiệm khám phá và có dự định sẽ leo núi Cô Tô vào ban đêm như bọn mình, mọi người xem thêm tại đây nhé!

Dọc đường đi lên núi có gắn nhiều bảng lưu ý không bỏ rác này nhưng chúng tôi vẫn gặp chai nước bị vứt ven đường rất nhiều. Hi vọng sau này những đoàn khách đến đây sẽ có ý thức giữ gìn vệ sinh hơn cho núi Cô Tô.

Khám phá núi Cô Tô
Dọc đường đi có rất nhiều bảng lưu ý giữ gìn vệ sinh.

Thời gian bắt đầu leo núi đã 6h30 tối, để lên được đến đỉnh núi phải mất 2 tiếng 40 phút. Nếu di chuyển bằng xe máy chỉ khoảng 30 phút đã có thể lên đến đỉnh núi.

khám phá núi Cô Tô
Leo bộ khám phá núi Cô Tô về đêm là trải nghiệm cực hấp dẫn

Tuy nhiên, như dự định ban đầu, dù trời mưa nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm leo bộ lên đến đỉnh núi để trải nghiệm cảm giác lần đầu khám phá núi Cô Tô vào ban đêm sẽ như thế nào.

Khám phá núi Cô Tô
Đường khám phá núi Cô Tô lúc này hoàn toàn tối mịt

Sau nhiều lần nghỉ chân dọc đường để lấy lại sức đi tiếp, chúng tôi cũng đã đến được đích. Nơi mà mấy anh em lựa chọn làm điểm dừng chân và nghỉ lại qua đêm là Điện Kính (còn gọi là Điện 3 Cửa).

Vừa đến đây, chúng tôi được các chú đồng đạo trên này chào đón rất nhiệt tình, được các chú mời bánh, trà và hỏi thăm ân cần. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được chào đón bởi một vị đặc biệt, một ông Trăn lớn nằm đợi sẵn trước cửa Am đã hơn 4 tiếng. Nghe các chú kể, do nay trời mưa nên “ổng” lên đây để nghe kinh giảng chứ không đụng đến ai. Lúc này, ai nấy đều nhìn nhau cười và thầm nghĩ về những câu chuyện tâm linh liên quan đến vùng này hẳn đều có nguồn gốc và nguyên do cả.

khám phá núi Cô Tô
Chúng tôi được một ông Trăn chào đón ngay trước Điện 3 Cửa.

Khi mọi người nơi đây đã vào giấc, anh em chúng tôi tìm một góc sân phía xa xa. Sẵn có mang theo bếp gas và các vật dụng để nấu ăn. Chúng tôi cùng nhau nấu mì, nướng tôm, luộc bắp, trứng và cùng nhau thưởng thức. Cùng quây quần hát hò và kể lại cho nhau nghe cảm giác lúc leo núi vào ban đêm trong hành trình khám phá núi Cô Tô. Không khí lúc này đã bắt đầu se lạnh, không nhiều gió nhưng ở đây chủ yếu lạnh do sương và do ở trên cao.

Khám phá núi Cô Tô
Quây quần nướng tôm.

Trời đã tối, đã gần 1 giờ khuya, chúng tôi dựng lều ở khoảng sảnh trống trong Am đã được lót gạch sạch sẽ. Giờ thì bắt đầu nghỉ ngơi lấy lại sức chuẩn bị cho ngày mới trong hành trình khám phá núi Cô Tô.

NHỮNG ĐIỂM ĐẾN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI KHÁM PHÁ NÚI CÔ TÔ

Một ngày mới lại bắt đầu, 5 giờ sáng, mấy anh em rục rịc dậy sớm để ngắm mây bay ngang tầm mắt. Thời tiết lúc này lạnh hơn ban đêm nhiều, ăn 1 ly mì, uống tách trà nóng, thật là một trải nghiệm tuyệt vời.

Khám phá núi Cô Tô
Trên đỉnh núi có thể thấy mây bay ngang tầm mắt

Tham quan Điện Kính ( Điện 3 Cửa )

Đến 7 giờ sáng, mặt trời lúc bắt đầu ló dạng. Chúng tôi rủ nhau xuống nơi gọi là Điện 3 Cửa. Tại đây là một tảng đá lớn được xếp chồng trên các hòn đá nhỏ tạo thành một cái hang lớn, đây được cho là nơi bí ẩn nhất trên đỉnh Phụng Hoàng Sơn này.

Khám phá núi Cô Tô
Một trong 3 cửa của Điện Kính có chỗ thờ cúng

Theo lời kể của những người đi trước, hang nơi đây có 3 cửa, hang được cho là địa đạo thông qua đến núi Cấm (Thiên Cấm Sơn). Trong hang có nhiều ngõ ngách và hang rất sâu, bên trong hang có đặt nhiều bàn thờ cúng. Hiện tại hang này bị rào lại và du khách không được phép vào tham quan và cúng viếng nữa.

Xoay quanh hang này có nhiều câu chuyện liên quan đến ông Hổ và ông Mây trước đây từng tu hành và nghe thuyết pháp trong hang này. Đây là nơi đáng để du khách đến tham quan và cúng viếng để nghe người dân ở đây kể thêm về một số câu chuyện tâm linh kì bí.

Bãi đá chuông trên đỉnh Cô Tô

Sau đó, mấy anh em tiếp tục rủ nhau xuống bãi đá cách Điện Kính khoảng 100m. Đường xuống tương đối rộng rãi, nhưng do hôm qua có mưa nên đường khá trơn. Tại đây có 2 bãi đá rất lớn, người ta gọi nơi này là bãi Đá Chuông.

Khám phá núi Cô Tô
Bãi đá chuông tuyệt đẹp

Sở dĩ có tên như vậy vì tại đây có 1 hòn đá lớn có thể phát ra âm thanh cao, vang to như tiếng chuông khi gõ vào. Đây là nơi mà chúng tôi thích nhất trong hành trình khám phá núi Cô Tô.

Khám phá núi Cô Tô
Cùng check-in tại bãi Đá Chuông nào!

Leo qua từng hòn đá lớn, đá ở đây khá bám, không trơn nên quá trình leo qua bãi đá để đến nơi săn mây khá dễ dàng. Chọn một tảng đá to nhất, bằng phẳng và ở rìa để có thể nhìn toàn cảnh đồng bằng bên dưới cũng như những đám mây lơ lửng trước mắt. Đây là địa điểm lý tưởng thu hút lượng lớn các bạn trẻ đến check-in, ngắm cảnh và săn mây.

Chùa Phước Sơn

Rời bãi Đá Chuông, tạm biệt các chú ở Am, chúng tôi tiếp tục di chuyển xuống núi để tham quan và khám phá núi Cô Tô ở các địa điểm mới hơn. Đi được 1 đoạn, đến khoảng 9h chúng tôi ghé một quán chay cạnh Phước Sơn Tự để ăn bún, nạp tiếp năng lượng và hỏi đường đi khám phá núi Cô Tô tiếp.

Khám phá núi Cô Tô
Nghỉ chân tại quán ăn cạnh Phước Sơn Tự.

Bồng Lai Tự

Đi tiếp xuống núi, chúng tôi ghé qua Bồng Lai tự, nơi đây nằm ở khoảng độ cao 350m và tựa lưng vào vách núi. Nơi đây từng là “cơ sở nuôi quân” khá vững chắc của du kích và bộ đội huyện Tri Tôn, vừa là “trạm giao liên” đáng tin cậy của cán bộ tỉnh An Giang thời bấy giờ.

Khám phá núi Cô Tô
Bồng Lai Tự trên đường khám phá núi Cô Tô

Vồ Thiên Tế

Khám phá núi Cô Tô
Địa điểm khám phá núi Cô Tô tiếp theo là Vồ Thiên Tế

Nơi đây có rất nhiều cây thiên tuế có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tuổi, cây to và rộng có khi phải 5 người ôm mới hết thân.

Khám phá núi Cô Tô
Những cây Thiên Tế có tuổi đời hàng trăm năm

Một nhà sư trên núi này cho hay, rừng thiên tế ở đây có từ rất lâu rồi, tuổi thọ của cây rất lớn. Nhiều cây đã tồn tại hơn 100 năm. Khi đến đây, chúng tôi đã rất bất ngờ vì độ lớn về kích thước và số lượng của các cây Thiên Tế này.

Bạch Vân Am

Bạch Vân Am là nơi có thờ Đức Phật Di Lạc, tại đây cũng được nhiều người dân đến hành hương và cúng viếng. Nơi này có trồng nhiều loại hoa như hướng dương, cẩm tú cầu, cúc các loại… từ góc này có thể ngắm nhìn quan cảnh bên dưới đồng bằng.

Khám phá núi Cô Tô
Bạch Vân Am trên núi Cô Tô

Vồ Hội (Dồ Hội)

Dồ Hội Lớn và Dồ Hội Nhỏ là hai tảng đá cực lớn của núi Cô Tô mà từ dưới chân núi trên đường đi vào hồ Soài So bạn đã nhìn thấy nó. Dồ Hội là nơi thờ Phật và những vong linh đã mất. Vì vậy trên những bệ đá có hình kim tự tháp nổi bật giữa trời đất bạn sẽ nhìn thấy những câu thư pháp ngắn gọn để tưởng nhớ những người đã về với thế giới khác. Đây là điểm tham quan không thể bỏ qua khi khám phá núi Cô Tô.

Khám phá núi Cô Tô
Dồ Hội – địa điểm không thể bỏ qua khi khám phá núi Cô Tô

Sân Tiên

Sân Tiên là nơi còn lưu giữ dấu chân khổng lồ in hằn trên đá. Núi Cô Tô có một dấu chân của bàn chân phải, còn núi Cấm còn lưu giữ dấu chân của bàn chân trái. Để nhìn thấy được dấu chân này bạn đi qua ban thờ trên Sân Tiên ra phía mép đá ngoài cùng. Ở sát mép đá có những bậc xuống nhỏ được tạc sẵn.

Khám phá núi Cô Tô
Cùng ngắm toàn cảnh Sân Tiên.

Tri Tôn

Địa điểm chữ “TRI TÔN” khổng lồ rất được giới trẻ săn đón và check-in vì nơi đây, mỗi chữ có kích thước cao 7 mét, nhìn từ đồng bằng phía lộ xa xa cũng có thể thấy rõ chữ Tri Tôn sừng sững. Đứng ở nơi đây có thể quan sát được toàn cảnh đẹp bên dưới, những cánh đồng lúa vàng, làng xóm và cả những ngọn núi khác trong cụm Thất Sơn hùng vĩ cũng hiện ra trước mắt bạn.

Khám phá núi Cô Tô
Từ đây có thể nhìn bao quát toàn cảnh Thất Sơn tuyệt đẹp.

Rời chữ Tri Tôn, tiếp tục leo bộ xuống chân núi, mất thêm hơn 1 giờ nữa chúng tôi mới đến được chân núi.

Khám phá núi Cô Tô
Đường xuống núi kết thúc chuyến khám phá núi Cô Tô

Lúc này cũng đã hơn 12h trưa, anh em ăn trưa tại quán ăn ngay chân núi rồi rời Tri Tôn di chuyển bằng xe máy quay trở lại thành phố Cần Thơ để kết thúc chuyến khám phá núi Cô Tô trong 1 ngày.

Khám phá núi Cô Tô
Cùng nhìn ngắm lại núi Tô trước khi rời đi.

Đến nơi cũng đã hơn 16h chiều, hoàn thành hành trình khám phá núi Cô Tô, ai nấy đều đã thấm mệt và chân cũng đã rất mỏi sau 1 ngày di chuyển liên tục. Nhưng những cảm xúc tuyệt vời trong chuyến đi và những trải nghiệm mà chúng tôi thu được sẽ là thứ quý báu nhất còn được lưu giữ.

Bọn mình sẽ còn nhiều chuyến đi liên quan đến vùng Bảy Núi này và những nơi khác hấp dẫn hơn nữa. Nếu yêu thích khám phá và đam mê Trekking mạo hiểm, mời các bạn truy cập vào Facebook và YouTube để xem thêm những hành trình khám phá khác của Tiêu Dao Tử nhé!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

error: