Hang C9 Chư Bluk là một trong những hang động núi lửa bazan thuộc Quần thể hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á. Quần thể này đã được các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản công bố tìm thấy vào cuối năm 2014.
“Với rất nhiều đặc điểm ghi dấu ấn phát triển của tự nhiên, của các tầng kiến tạo địa chất, hang C9 Chư Bluk cũng như các hang động khác trong quần thể đang là điểm đến hấp dẫn cho những ai đam mê khám phá, tìm hiểu quá trình thay đổi của thiên nhiên. Đặc biệt giúp cho Đắk Nông trở thành một điểm mới độc đáo trên bản đồ phát triển du lịch của Việt Nam”
Quần thể hang động núi lửa Chư Bluk dài nhất Đông Nam Á
Theo bản đồ địa lý, quần thể hang động núi lửa Chư Bluk thuộc xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Cách trung tâm huyện hành chính huyện Krông Nô khoảng 20km và cách thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) khoảng 40km về phía nam.
Quần thể hang động này gồm hơn 100 hang động có kích thước và cấu tạo khác nhau được hình thành do Núi lửa Chư Bluk phun trào, tạo nên các khối nham thạch đã nguội lạnh từ hàng triệu năm, ẩn mình sâu bên trong các tầng đá bazan.
Với sức nóng khủng khiếp, dòng chảy dung nham núi lửa đã tạo nên nhiều nhánh rẽ và các cửa hang động ở khắp mọi nơi với chiều dài dòng chảy lên đến 25km. Trải qua thời gian dài hàng trăm triệu năm, dưới sự tác động của thời tiết, sự phong hóa của các tầng địa chất, các hang động núi lửa Đắk Nông đã trở nên độc đáo với các lớp thạch nhũ, hệ động thực vật có một không hai. Đặc biệt, các nhà khoa học đã tìm ra dấu tích của người tiền sử từng sinh sống trong các hang động này.
>>> Xem ngay: Trekking lên đỉnh và xuống đáy núi lửa Chư Bluk
Hang C9 Chư Bluk – Hang động cao nhất trong quần thể
Đường vào hang C9 Chư Bluk được ghi nhận gần đây nhất là có độ cao 530m so với mặt biển với tọa độ địa lý của cửa hang (Tọa độ VN2000):Vị trí hành chính: xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông.
Cửa A (cửa Bắc, phía hạ lưu): 12°28’52.17″ vĩ độ bắc; 107°56’26.26″ kinh độ đông.
Cửa B (cửa Nam, phía thượng lưu): 12°28’47.49″ vĩ độ bắc; 107°56’24.83″ kinh độ đông.
Hang C9 Chư Bluk được thành tạo bởi dòng dung nham phun trào khối lượng lớn, nhiệt độ rất cao, độ nhớt thấp nên đã tạo ra một hang dung nham lớn điển hình có tiết diện ống tròn, cao khoảng 12m, rộng khoảng 15m, dạng elip hơi dẹt
Nền bên trong hang C9 khá ẩm ướt, kiểu clinker bị phủ một lớp mỏng tro bụi núi lửa. Trên nền hang có cấu tạo sọc kéo dài song song với hướng phát triển của hang, đây chính là dấu vết của dòng chảy dung nham núi lửa từ xa xưa.
Di chuyển từ Núi lửa Chư Bluk đến hang C9
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản, dòng chảy dung nham núi lửa Chư Bluk đã chảy tràn trên diện tích rộng lớn 25km, hình thành các hang động theo hai hướng:
Hướng Đông Nam: các hang động được mang ký hiệu A, gần núi lửa Chư Bluk nhất là hang A1
Hướng Tây Nam: đổ về phía thác Dray Sap, dòng chảy hướng này mạnh hơn, hình thành nhiều hang động lớn nhỏ với ký hiệu B, C. Hang gần núi lửa nhất chính là hang C9.
Từ núi lửa Chư Bluk, bạn sẽ phải di chuyển qua rẫy bắp của bà con dài khoảng 500 – 600m. Vào thời điểm mình đi thì đã vào mùa thu hoạch, chỉ còn lác đác vài cây nên rất dễ quan sát đường đi. Còn nếu bạn đi vào mùa mưa hay đang vô mùa trồng bắp thì các rẫy ở đây diện tích rộng lớn, cộng với chiều cao vượt đầu người thì rất khó quan sát, dễ lạc nếu bạn không theo dấu được người phía trước.
Qua đoạn rẫy bắp sẽ là đoạn đường thoải không có quá nhiều dốc cao với chiều dài chỉ khoảng 600 – 700m. Thỉnh thoảng sẽ có các cây cao to nhìn rất hoành tráng giữa thảo nguyên. Mặc dù đi vào khoảng 2h giờ trưa, nắng khá gắt nhưng mình và team vẫn không bị đuối sức lắm. Sau khoảng 20 đi bộ thì đã đến với cửa hang C9 núi lửa Chư Bluk
Cửa vào Hang C9 Chư Bluk độ cao trung bình và khá tối
Cửa hang C9 Chư Bluk có trần thấp, không quá rộng, các tầng đá bazan núi lửa phía trên bám rất chặt với nhau cùng với các rễ cây lớn chằng chịt. Hướng này khuất ánh sáng chiếu vào nên hầu như không có mảng thực vật nào bám bên ngoài các tầng đá ở cửa hang.
Dưới chân sẽ là các khối đá bazan bọt gồ ghề, rải rác khắp nơi. Các khối đá có kích thước lớn nhỏ khác nhau, kích thước trung bình dao động trong khoảng 30 – 150cm.
Nhìn có vẻ chắc chắn nhưng đây chỉ là các lớp đá xếp chồng lên nhau, rời rạc không có sự kết dính. Nên nếu quan sát kém, chọn hướng đi không chính xác, bạn rất dễ bị té khi đạp lên những tảng đá chông chênh. Đặc biệt dưới điều kiện thiếu ánh sáng thì bạn cần cẩn thận và tập trung quan sát cao độ hơn.
“Theo các nhà địa chất, quần thể hang động núi lửa Chư Bluk – Đắk Nông có cơ chế hình thành khá độc đáo với độ dài kỷ lục, có các họa tiết nhũ đá đặc sắc. Các hang động vẫn còn giữ được dấu vết cuộn xoắn của các dòng chảy dung nham, thảm thực vật quý hiếm. Trên thế giới không phải núi lửa nào khi phun trào cũng tạo được các hang động kỳ diệu như vậy”
Khám phá vẻ đẹp tuyệt diệu bên trong Hang C9 Chư Bluk
Những hang động của núi lửa Chư Bluk trước đây được người dân địa phương gọi là hang Dơi bởi có đàn dơi rất lớn, đến hàng chục nghìn con sinh sống trong các hang này. Thời điểm mình đi thì rất tiếc không phát hiện được cá thể Dơi nào hết.
Chuẩn bị kĩ càng đèn pin đội đầu, đeo bao tay bám, mình bắt đầu đạp lên các khối đá, tiến xuống vào trong hang. Vừa bước vào hang được vài mét, mùi ẩm mốc bắt đầu được mũi mình cảm nhận, từ từ đánh thức mọi giác quan khác trong cơ thể. Càng vào sâu bên trong sẽ càng tối, không gian càng mát lạnh có thể khiến bạn nổi da gà.
Mặc dù không hiểu quá nhiều về các lớp kiến tạo địa chất, nhưng khi quan sát bằng mắt thường thì quả thực phải thốt lên trong đầu vì mái vòm phía bên trong hang quá đẹp. Các lớp kiến tạo độc đáo ánh lên lấp lánh khi bạn chiếu ánh sáng vào.
Qua sự chia sẻ của anh chuyên gia về núi lửa đi chung thì trong hang C9 Chư Bluk có nhiều cấu trúc đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như dòng chảy, các ngấn dung nham, các di tích thực vật được hình thành hàng triệu năm trước.
Những vách hang sâu thẳm dưới bóng tối đen kịt, nếu không có đèn pin thì thực sự không biết sẽ đi như thế nào. Bên trong lớp vách hang đó là dòng dung nham cuộn chảy đã nguội lạnh và đông cứng. Những lớp đá thạch nhũ phía trên thấm nước mưa, nhỏ xuống từng giọt tí tách tạo nên những âm thanh huyền diệu. Nước mưa thấm vào vách đá, rớt xuống khiến cho đáy hang ẩm ướt và có những đoạn trơn trợt.
Cửa ra Hang C9 Chư Bluk được phủ rất nhiều thực vật xanh ngát
Khoảng cách từ cửa vào đến cửa ra hang C9 núi lửa Chư Bluk ước tính là 300 – 400m, lối đi chủ yếu vẫn là các lớp đá bazan núi lửa xếp chồng lên nhau. Đối lập với cửa vào, cửa ra đã khiến mình cực kỳ thích thú với vẻ đẹp xanh mát của nó.
Theo tìm hiểu của mình thì miệng hang này do một mảng trần lớn của hang bị sụp xuống, trải qua thời gian dài đã bị các lớp thực vật phủ kín dày đặc.
Cửa ra Hang C9 Chư Bluk có hình vòm cung khá hoàn hảo, được phủ đầy kín bởi các tán dương rũ xuống giống như bức rèm xanh khổng lồ cực đẹp.
Các khối đá núi lửa cửa ra sẽ to hơn rất nhiều ở cửa vào, nhìn có vẻ rất uy nghiêm và vững chãi. Leo lên những tảng đá này chụp sơ sơ vài tấm hình thì cũng đủ cho bạn lưu giữ được những khoảnh khắc có một không hai đó.
Lưu ý: Ở đoạn ra khỏi hang bạn sẽ phải leo lên các mỏm đá cao dựng đứng khá nguy hiểm, bạn chỉ có thể bám vào rễ cây để leo lên nên đoạn này cần hết sức cẩn thận!
Những điều cần biết để khám phá Hang C9 Chư Bluk an toàn
Việc tìm ra được Hang C9 và nhiều hang động khác trong quần thể hang động núi lửa Chư Buk, là một bước ngoặt trong việc nghiên cứu các hang động tự nhiên của Việt Nam, đồng thời đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch khám phá của tỉnh Đắk Nông.
Tuy nhiên, khám phá hang động vẫn đang được xem là một loại hình du lịch mạo hiểm. Ngoài những tour được cấp phép, có các chuyên gia hỗ trợ thì hầu như rất ít các đoàn tự phát được đến đây để tham quan.
Do đó, khi khám phá hang C9 Chư Bluk cũng như các hang động núi lửa khác thì bạn cần chuẩn bị tinh thần, thể lực thật tốt cũng như các vật dụng an toàn như giày có độ bám tốt, đèn pin vào hang, găng tay bảo vệ, quần áo dài để tránh cảm lạnh… đồng thời di chuyển thật chậm và chắc theo sự hướng dẫn của người dẫn đoàn, không tự ý rẽ sang hướng khác để tránh bị lạc.
Nếu bạn có niềm đam mê khám phá các hang động thì có lẽ hang C9 Chư Bluk là gợi ý đầu tiên để bạn thử sức mình. Với độ khó không cao, hang C9 sẽ giúp bạn vượt qua bản thân, lấy thêm tinh thần và ý chí để tiếp tục tìm đến với những hang động núi lửa tuyệt vời khác của vùng đất Đắk Nông đầy nắng gió.