Tour trekking đỉnh Tà Đùng không còn quá xa lạ với những vị khách đam mê du lịch bụi, du lịch khám phá khi đến với vùng Đăk Nông – Tây Nguyên. Tuy nhiên, hành trình 4 ngày xuyên rừng, mở đường từ Lâm Đồng qua Đăk Nông, khảo sát các tuyến điểm mới của mình được chia sẻ sau đây hứa hẹn sẽ có những điều mới lạ và đặc biệt hơn cả.
Năm 2020, may mắn được tham gia với đoàn khảo sát các tuyến điểm mới trên cung đường trekking từ Lâm Đồng sang Đăk Nông cùng đài truyền hình và các anh em có cùng đam mê du lịch khám phá, hành trình vỏn vẹn 4 ngày nhưng mình được khám phá rất nhiều điểm đến hấp dẫn, các hang núi lửa, những ngọn thác hùng vĩ, hồ nước tự nhiên rộng lớn, học hỏi thêm kiến thức địa chất bổ ích,… dù có những lúc rất mệt nhưng chuyến đi này thật sự xứng đáng.
Khám phá hang động núi lửa Chư Bluk & Núi lửa Nâm Kar
Ngày đầu tiên trong chuyến hành trình xuyên rừng từ Lâm Đồng qua Đăk Nông của mình khởi động nhẹ nhàng với những đoạn hiking từ bìa rừng đặc dụng Dray Sáp để khám phá các hang động núi lửa Chư Bluk – hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á.

Hang Chư B’luk (còn gọi là Hang Dơi) thuộc xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Hang này có chiều dài khoảng 25km và được đánh giá là hang động núi lửa dài nhất khu vực Đông Nam Á. Nơi mà bạn có thể bước vào để khám phá chính là hang C3 và C4, hai hang động này có cửa thông với nhau.
Để đến hang động núi lửa Chư B’luk, mình đi bộ xuyên qua một đoạn rừng nguyên sinh thuộc khu vực núi lửa. Địa chất của đoạn đường này là lớp đất bazan do lớp mắc ma dung nham núi lửa đã nguội lại hình thành nên. Mình đi ngay mùa khô nên đi khá dễ dàng, bạn nào đi mùa mưa thì đi qua đoạn đường này sẽ vất vả hơn.

Đi bộ khoảng hơn 30 phút để đến được cửa hang động núi lửa C3. Hang C3 có chiều dài 594,4m và càng vào sâu bên trong hang bạn sẽ càng cảm nhận sự khác biệt với bên ngoài. Không gian ẩm và rất mát, những bụi thực vật thấp mọc rất nhiều. Những tảng đá lớn nhỏ do nham thạch nguội lại có hình dạng rất sần sùi, màu xám đục, kết hợp với tiếng gió lùa và tiếng chảy róc rách từ trên cao sẽ tạo ra khung cảnh ấn tượng và độc đáo.

Hang C3 và hang C4 thông với nhau, cả đoàn nối đuôi đi theo người hướng dẫn, mọi người đều được trang bị đèn pin và cẩn thận từng bước chân để tránh bị đá nham thạch làm trầy xước. Sau khi đi hết hang động C3, C4, đi tiếp thêm một đoạn nữa để đến cánh đồng dung nham rộng lớn.

Cánh đồng này có diện tích hàng trăm hecta, nằm vây quanh những ngọn núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm trước, xa xa sẽ là dòng sông Krông Nô hùng vĩ. Tổng thể là một bức tranh thiên nhiên rất mát mắt và thực sự đẹp.
Buổi chiều, cả đoàn lại tiếp tục khám phá miệng núi lửa Nâm Kar (thuộc xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, Đắk Nông), Núi lửa này thuộc công viên địa chất Đắk Nông và đã hoạt động cách đây 5,3 – 1,8 triệu năm. Nhìn từ xa thì núi lửa Nâm Kar có hình nón cụt, ở giữa lõm hình phễu là nơi phun trào dung nham.

Hiện nay, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh núi lửa Nâm Kar được phủ xanh bởi những mảng nương rẫy của người dân, chứ không phải là ngọn núi lửa khô cằn thiếu sự sống. Đường đi lên miệng núi lửa vào buổi trưa khá gắt do không có những tán cây lớn che nắng, đi dọc theo sườn núi lửa có độ dốc lên đến 35-45 độ. Rải rác trên miệng núi là những lớp đất đá dung nham giòn xốp, không kết dính và rất dễ bị trợt té nên các bạn cần cẩn thận.

Cuối ngày, cả đoàn được di chuyển về làng người Dao bằng xe công nông để hạ trại, tắm rửa và nghỉ đêm tại đây. Kết thúc ngày đầu tiên khá nhẹ nhàng, khởi động cho chặng hành trình đầy cam go phía trước.
Khám phá thác Phi Liêng hoang sơ kỳ vĩ giữa núi rừng Lâm Đồng
Ngày thứ hai trong chuyến hành trình xuyên rừng từ Lâm Đồng qua Đăk Nông, cả đoàn của mình di chuyển theo sự dẫn đường và hỗ trợ của các anh kiểm lâm, bắt đầu đoạn trekking vài km trong rừng để đến với thác Phi Liêng, một ngọn thác hoang sơ, kỳ vĩ của Lâm Đồng.
Bắt đầu di chuyển theo một con đường được mở trước đó, băng qua các ngọn đồi thấp trải dài theo hướng từ Đắk Nông qua Lâm Đồng. Đoạn đường leo đồi này tương đối dễ đi và không gặp nhiều trở ngại, những ngọn đồi này được phủ kín bởi những cây thông già trồng thưa nhau, tuy nhiên cũng có những ngọn đồi bị trọc chỉ còn trơ lại những tầng cây bụi thấp.

Tiếp tục di chuyển đến Thác Phi Liêng, vô đoạn rừng sâu nên đường đi bắt đầu khó khăn hơn. Có những đoạn dốc cao và những đoạn nhiều rễ cây to chắn ngang nên cần đi thật chậm, bám chắc và hết sức cẩn thận để tránh té ngã. Nhìn từ phía xa là bạn đã có thể thấy tầng trên cùng của Thác Phi Liêng cũng như nghe được tiếng vang ầm ầm của nước chảy.

Để xuống chân thác, tiếp tục bám theo các rễ cây cao để đi xuống đoạn dốc cao nghiêng 70 độ khá nguy hiểm, trơn trượt và rất dễ té. Sau khi men theo các thân cây to để xuống tầng thác thứ nhất. Đoàn tiếp tục dùng dây thừng để thả từ từ xuống chân thác với chiều dài của cả con dốc là khoảng 200m, lúc này ngay giữa trưa nên nắng rất gắt và chói mắt, từng người một di chuyển thật chậm xuống phía dưới vì đất đá rất dễ sạt lở, va vào người sẽ bị trầy xước ngay.

Thác Phi Liêng thật sự xinh đẹp và hùng vĩ, đứng dưới chân thác, con người trở nên nhỏ bé trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên. Ngọn thác cao đến 70 mét, đây chỉ mới là tầng thác thứ 5 trong tổng số 7 tầng thác, do đó mà thác Phi Liêng còn có tên gọi khác là thác Bảy Tầng.

Tại chân thác Phi Liêng, cả đoàn nghỉ ngơi, ăn trưa, tắm suối, và tận hưởng vẻ đẹp của ngọn thác này. Đặc biệt, nước trong hồ ngay dưới chân thác Phi Liêng cực kỳ mát mẻ, đi trekking mệt mà được tắm thác thì còn gì bằng!
Vượt vách núi đứng – Camping bãi khai thác vàng
Sau khi tận hưởng sự hùng vĩ của thác Phi Liêng, cả đoàn tiếp tục di chuyển thêm 5km nữa để đến điểm tập trung hạ trại, cố gắng di chuyển thật an toàn trước khi trời tối.
Đoạn dốc leo xuống chỉ vài trăm mét nhưng rất nguy hiểm khi có độ nghiêng đến 70 độ so với mặt phẳng. Để xuống được phía dưới, từng thành viên của đoàn phải đi thật chậm, lựa những điểm đáp bằng phẳng, bám chặt vào các rễ cây leo và hạ xuống từ từ.
Có những đoạn dốc sẽ trống, không có cây bám vào, bạn phải đi ngược và bám chắc vào các mỏm đá nhỏ trên đường đi xuống. Nền đất đá cùng với lá cây mục rụng xuống, kết cấu sẽ không được chặt nên rất dễ trợt chân. Các dây leo, các bụi cây thấp ở đây rất nhiều gai, khi bám leo xuống bị trầy xước rất nhiều.

Ở phía dưới những con dốc là những tảng đá to, nếu té xuống chắc chắn sẽ bị chấn thương, do đó mọi người khi di chuyển đều rất cẩn trọng!
Leo dốc ngoài nỗi sợ về độ cao, về độ trơn của nền đất rất dễ trợt chân thì còn một mối nguy hiểm nữa đó là đá lăn. Những hòn đá bám vào nền đất khi nhiều người đạp lên để di chuyển rất dễ làm cho nó rớt xuống và trúng vào người bên dưới. Đoàn mình đã bị một tảng đá lăn từ trên cao xuống, may mắn là chỉ đập vào đùi của một thành viên, nếu đầu vào đầu hoặc bụng thì rất dễ bị té từ trên cao xuống rất nguy hiểm.

Sau hơn 1 tiếng leo vách núi dựng đứng 70 độ, cả đoàn đã an toàn xuống được phía dưới, ở đây cũng có một con thác nhỏ rất đẹp. Đây là tầng thác bên dưới của thác Phi Liêng (là 1 trong những tầng thác của thác Bảy Tầng đã đề cập ở trên).
Sau khi leo dốc, đoàn đã thấm mệt, nhưng vẫn phải tiếp tục di chuyển thêm một đoạn khoảng 2km dọc theo suối nhỏ với đường đi chủ yếu là sỏi đá sắc bén để đến bãi khai thác vàng, chỗ này mọi người mới có thể hạ trại và nghỉ đêm trong rừng.

Theo chia sẻ của các anh kiểm lâm thì bãi khai thác vàng này nằm ở giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Trước đây là bãi khai thác vàng lậu, sau khi được triệt phá thì bãi này để trống, nhưng hiện tại vẫn còn hàm lượng thủy ngân ở dưới dòng suối nên không thể sử dụng nguồn nước này để tắm hay nấu nướng. Nước để mọi người sử dụng sẽ được dẫn bằng ống từ con suối ở phía trên cao xuống.

Mệt mỏi và vất vả cả ngày trong rừng, giờ thì cả đoàn tận hưởng cảm giác camping trong rừng, cùng nhau ăn uống bên bếp lửa trại ấm áp và chuẩn bị tinh thần cũng như sức lực cho chặng đường khó khăn nhất ở ngày mai.
Hành trình mở đường xuyên rừng từ Lâm Đồng trở về Đăk Nông
Mở đầu ngày thứ 3 bằng một buổi sáng với cơm nắm được các anh kiểm lâm dậy từ sớm chuẩn bị, phần ăn đơn giản nhưng cực kỳ ngon và hiếm có giữa núi rừng như này.
Sau khi xác định được địa hình, các anh kiểm lâm đã quyết định mở đường xuyên rừng theo hướng đi lên trên một đỉnh đồi. Đây là con đường độc đạo mà trước đây những người dân tộc tự mở để đi xuống phía chân núi để đổi muối và lương thực. Con đường này đã rất lâu không có người đi nên cây cối mọc lên rất nhiều và hầu như che hết cả con đường.

Hướng di chuyển chủ yếu là đi lên phía trên những con dốc thấp khoảng 20-30 độ, tuy nhiên khó khăn là những cây bụi gai thấp, tre, lồ ô mọc um tùm rất sắc bén. Đặc biệt, con đường này mới mở nên không có lối mòn, mọi người trong đoàn sẽ rất dễ lạc nhau. Vì vậy, cả đoàn chia nhau hỗ trợ theo từng tốp, di chuyển thật chậm để quan sát nhau, để lại dấu trên các cành cây và gọi nhau trên đường đi để người sau theo dấu đi theo người trước.
Hành trình xuyên rừng từ Lâm Đồng qua Đăk Nông của cả đoàn ngày thứ 3 này là chặng hành trình gian nan nhất, bởi đoạn xuyên rừng này phải băng qua nhiều dạng địa hình khác nhau, từ những đoạn tre gai sắc nhọn đến địa hình đồi trọc nhưng dốc cao cùng với nắng gắt đã bào mòn sức lực của các thành viên trong đoàn, kể cả mình là người đã từng đi nhiều chuyến trekking nặng vẫn thấy đuối sức với chặng này.

Sau suốt hơn một buổi di chuyển qua hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác, cả đoàn mừng rỡ khi đã đến được làng của đồng bào dân tộc để xin nước uống, mặc dù ở đây người dân phải rất vất vả để có được những thùng nước uống này, nhưng họ vẫn vui vẻ chia sẻ nước uống cho cả đoàn.
Việc di chuyển liên tục suốt 3 ngày này và qua những địa hình khó trong thời tiết khắc nghiệt, giờ thì có rất nhiều thành viên trong đoàn không thể di chuyển tiếp nên cả đoàn lúc này được hỗ trợ đi xuống chân núi Tà Đùng đến điểm hạ trại bằng xe công nông thay vì phải đi bộ như dự định ban đầu.

Vậy là kết thúc ngày thứ 3 với rất nhiều cung bậc cảm xúc, một ngày đầy vất vả nhưng cũng để lại nhiều kỉ niệm. Đây là quãng thời gian để các thành viên nghỉ ngơi hồi sức và chuẩn bị cho chuyến trekking đỉnh Tà Đùng 1982m vào ngày thứ 4 – ngày cuối cùng của chặng hành trình xuyên rừng từ Lâm Đồng qua Đăk Nông.
Trekking đỉnh Tà Đùng 1982m
Vườn quốc gia Tà Đùng có tổng diện tích là 21.307ha, nằm trên địa giới hành chính của xã Đăk Som, huyện Đăk G’long, Đăk Nông. Nơi đây thuộc vùng địa lý sinh học Nam Trung Bộ, nằm ở giữa hai cao nguyền Đắk Nông và Di Linh. Đỉnh Tà Đùng là đình núi cao nhất ở đây với độ cao 1982m.

Vườn quốc gia Tà Đùng là một trong những vùng có độ che phủ rừng tự nhiên rất lớn với sự đa dạng của các hệ sinh thái bao gồm hệ sinh thái rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh, rừng gỗ tự nhiên lá rộng nửa rụng lá, rừng gỗ tự nhiên lá kim, rừng tre nứa tự nhiên, rừng hỗn giao gỗ tre nứa tự nhiên. Trong đó hệ sinh thái rừng gỗ tự nhiên lá rộng thường xanh là chủ yếu với diện tích 8416,2 ha , chiếm gần 45% diện tích của toàn bộ vườn quốc gia.
Để trekking đỉnh Tà Đùng, cả đoàn của mình bắt đầu di chuyển từ 6h sáng, việc di chuyển sớm sẽ giúp tận dụng được nhiều thời gian mát mẻ đầu ngày. Đi trekking mùa nắng mặc dù đường đi sẽ thuận tiện hơn rất nhiều so với mùa mưa, nhưng người lại nắng nóng sẽ làm chúng ta nhanh mệt, đuối sức, mất nước. Đặc biệt nếu đi vào những đoạn rừng cây rậm rạm, um tùm, đi với đoàn đông cùng một lúc thì rất dễ bị ngộp do thiếu oxy. Do đó chia cung đường trekking thành các đoạn nhỏ để nghỉ ngơi dưỡng sức là điều hết sức cần thiết.

Mất khoảng nửa ngày cuối cùng cũng đến đỉnh Tà Đùng 1982m, đỉnh Tà Đùng lúc này có một vài tảng đá là điểm check in, được bao phủ xung quanh là những cây cổ thụ cao lớn, góc nhìn khuất và không có điểm quan sát. Tuy nhiên, cho đến hiện tại thì đỉnh Tà Đùng đã được mở một lối để ra điểm quan sát, từ đỉnh Tà Đùng có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn núi rừng Đăk Nông tuyệt đẹp rồi.

Quá giờ trưa, cả đoàn chia tay các anh kiểm lâm và trekking ngược lại xuống núi để kết thúc chuyến hành trình khám phá Đắk Nông. Chuyến trekking chinh phục Đỉnh Tà Đùng 1982m sau 4 ngày chính thức hoàn thành vào khoảng 5h chiều sau khi mình ra khỏi rừng Tà Đùng, được xe công nông đưa về điểm tập trung để trở về nhà.
Khoảnh khắc tạm biệt các anh kiểm lâm rất bồi hồi và nhiều cảm xúc, các anh rất hiền lành và hỗ trợ vô cùng nhiệt tình, cả đoàn có thể di chuyển được an toàn trong suốt 4 ngày qua, được ăn uống đầy đủ hoàn toàn nhờ các anh. Hành trình này đáng nhớ đến mức mấy năm sau khi quay lại các anh vẫn nhận ra mình và còn bồi hồi kể về chuyến đi này như mới đi ngày hôm qua vậy.

Mình cũng là một người yêu thích du lịch bụi và du lịch trải nghiệm, đã tham gia không ít các chuyến đi trekking khó, nhưng chuyến hành trình xuyên rừng từ Lâm Đồng qua Đăk Nông này đã để lại nhiều cảm xúc và trải nghiệm đáng nhớ nhất. Vừa di chuyển liên tục nhiều ngày qua nhiều dạng địa hình khó khác nhau, mở đường xuyên rừng để trải nghiệm các điểm đẹp và hùng vĩ của vùng Lâm Đồng, Đăk Nông, vừa được học hỏi nhiều kiến thức địa chất từ các chuyên gia trong đoàn, với mình, trải nghiệm mà được kết hợp với trao dồi kiến thức thì chuyến đi sẽ trở nên ý nghĩa hơn gấp nhiều lần.
Hy vọng rằng tour này có cơ hội phát triển để mình được đi lại một lần nữa, và chắc chắn chuyến hành trình xuyên rừng từ Lâm Đồng qua Đăk Nông này mà mở tour thì có không ít anh em đam mê trekking muốn tham gia bởi vì nó vừa nặng, vừa hấp dẫn và mới lạ, rất kích thích.
Mình có chia sẻ chuyến hành trình xuyên rừng từ Lâm Đồng qua Đăk Nông trên FB Phúc Nguyễn, kênh Youtube & Tiktok Đi cùng Tiêu Dao Tử, vừa để làm kĩ niệm lưu giữ các chuyến đi, vừa dành cho những bạn có cùng đam mê du lịch khám phá, trải nghiệm!