Nhắc đến du lịch An Giang hẳn ai cũng nghĩ ngay đến vùng Thất Sơn (Bảy Núi) ở nơi đây. Trong đó, núi Cấm là ngọn núi cao nhất với độ cao 705m và đang được phát triển du lịch mạnh mẽ với lượng lớn du khách đến tham quan và hành hương cực lớn hằng năm. Cùng xem bài viết bên dưới để xem núi Cấm có những địa điểm đáng tham quan nào và chúng tôi đã trải nghiệm leo núi Cấm vào ban đêm như thế nào nhé!
Xem thêm:
>>> Leo bộ chinh phục đỉnh núi Cô Tô về đêm
>>> 4 câu chuyện huyền bí tại vùng Thất Sơn
HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC NÚI CẤM VỀ ĐÊM
Di chuyển từ Cần Thơ đến núi Cấm
Trong một chuyến ngẫu hứng khám phá núi Cấm vào ngày cuối tuần của team Tiêu Dao Tử, anh em chúng tôi có dịp được leo núi Cấm vào ban đêm.
Khởi hành từ Cần Thơ lúc 17h30 chiều sau khi kết thúc 1 ngày làm việc cuối cùng của tuần, cả nhóm gồm 6 người, di chuyển bằng 3 xe máy theo quốc lộ 91b đến ngang trung tâm quận Thốt Nốt cũng đã 19h, lúc này cùng nạp năng lượng bằng tô hủ tiếu gõ để lấy lại tinh thần đi tiếp cuộc hành trình.
Tiếp tục đi theo tỉnh lộ DT941, chúng tôi di chuyển trong điều kiện thời tiết không tốt, cứ chạy một đoạn lại mưa, có những đợt mưa rất lớn nên cả nhóm phải nghỉ lại đục mưa vài lần. Đến được chỗ gửi xe máy ở chân núi Cấm cũng đã gần 22h tối, mua ít nước mang đi dọc đường, sau đó anh em lại balo trên lưng cùng nhau khám phá núi Cấm về đêm.
Leo bộ lên núi Cấm về đêm
Để lên được núi Cấm, mọi người có thể đi theo 3 cách: đi bộ, thuê xe ôm lên núi hoặc đi Cáp treo. Đường đi xe lên núi rất dễ chạy vì đường lộ nhựa đã được mở rộng, xe du lịch cũng có thể chạy lên, chính vì vậy các đoàn khách hành hương có thể dễ dàng đến nơi này thăm quan và cúng viếng.
Tuy nhiên chúng tôi vẫn lựa chọn đi bộ như thường lệ bởi phải đi từng bước lên từng bậc thang, phóng tầm mắt nhìn xung quanh, lắng nghe những âm thanh của rừng núi để cảm nhận vẻ đẹp ẩn sâu nơi chốn tâm linh này.
Đường leo bộ lên núi Cấm cũng rất dễ dàng, từng bậc thang được lót đá, bằng phẳng và rộng rãi, không trơn dù trước khi chúng tôi đến đã có liên tiếp nhiều trận mưa lớn. Những bậc thang nơi đây cũng không quá dốc, di chuyển khoảng 1 giờ chúng tôi đến gần tới Hồ Thanh Long (nơi dự kiến sẽ cắm trại và nghỉ qua đêm), tuy nhiên vì mưa bất chợt quá lớn nên chúng tôi đành xin nhờ 1 khoảng sân nhỏ của 1 quán nước gần đó để cắm trại.
Cắm trại qua đêm trên núi Cấm
Lúc này đã khuya và mọi người đều đã thấm mệt, xin nhờ được nơi tắm thay đồ để tránh bị cảm lạnh, cả nhóm chia việc cùng nhau làm, vài người dựng lều, nhóm lửa nấu mì, lấy nước (cách 1km ở nhà người quen), một ly mì nghi ngút khói vào nửa đêm trong lúc vừa đói, vừa mệt và vừa lạnh vì mưa, vì mây trên núi thật sự ngon hơn bất cứ thứ đặc sản nào.
Nạp xong ly mì mọi người như khỏe hẳn lại, lúc này mới bắt đầu nhóm than để nướng thịt (chúng tôi tự chuẩn bị theo), buổi tiệc nướng giản dị bắt đầu, anh em tụ lại chơi trò rút gỗ, trò này đòi hỏi sự khéo léo và quan sát tỉ mỉ, nếu làm đổ tháp gỗ sẽ bị phạt 1 cốc rượu nhỏ. Chúng tôi đã vừa chơi, vừa nướng thịt, vừa ăn uống và trò chuyện cùng nhau. Và thêm một chút nhạc cho thêm chill nhé!
Cứ như vậy cho đến khi chúng tôi nhận ra đã 5 giờ sáng. Giờ thì vào lều chợp mắt 1 tí cho tỉnh táo để có sức đi tiếp, còn cả 1 hành trình chinh phục núi Cấm phía trước đang đợi chúng tôi.
CÁC ĐIỂM THAM QUAN NÚI CẤM
Sau khoảng hơn 2 tiếng nghỉ ngơi, lúc này đã 7h30 sáng, chúng tôi bắt đầu hạ lều, dọn dẹp đồ đạc để tiếp tục tham quan các địa điểm đẹp và hấp dẫn ở núi Cấm.
Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm với hệ thống sinh thái rừng đa dạng và phong phú, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, khí hậu quanh năm dịu mát. Khung cảnh hài hoà giữa lối kiến trúc tôn giáo và thiên nhiên, là điểm đến lý tưởng để hành hương kết hợp nghỉ dưỡng hết sức độc đáo và hấp dẫn. Cùng tìm hiểu trên núi Cấm có các địa điểm nào đáng tham quan và khám phá nhé!
Chùa Vạn Linh
Có lối kiến trúc độc đáo, nổi bật với khuôn viên rộng, thoáng mát… chùa Vạn Linh tọa lạc ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên đã trở thành biểu tượng của núi Cấm.
Chùa Vạn Linh có vị thế rất đặc biệt, lưng tựa vào trên sườn đồi Bồ Hong (đỉnh cao nhất núi Cấm với 716m), mặt hướng về hồ Thủy Liêm, khuôn viên trồng nhiều hoa, cây cảnh… vừa vững chãi, uy nghi, không gian thoáng đãng, hòa quyện, gần gũi cùng thiên nhiên.
Chùa Vạn Linh còn có tên gọi khác là chùa Lá được Hòa thượng Thích Thiện Quang khai sơn năm 1927, ban đầu được dựng đơn sơ chỉ là một ngôi tự bằng tranh.
Năm 1995, chùa được thiết kế, xây mới theo lối kiến trúc cổ truyền phương Đông, nổi bật nhất là ba ngọn tháp uy nghi, trầm mặc, được đặt tại ba vị trí khác nhau ở phía trước tiền đường, đó là: tháp Quan Âm 9 tầng cao hơn 35m (ở chính giữa), tháp Hoà thượng khai sơn Thích Thiện Hạ Quang 3 tầng (ở bên phải) và tháp chuông 9 tầng với quả đại Hồng chung nặng 1,2 tấn (ở bên trái).
Phần chính điện là nơi an vị các tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy giữa một khung cảnh trang nghiêm, trầm mặc và thoát trần, tạo ra một ấn tượng thẩm mỹ giữa phong cảnh u tịch của núi rừng.
Toàn cảnh tạo nên một phong cảnh thơ mộng, hài hòa giữa lối kiến trúc tôn giáo và cảnh sắc thiên nhiên. Chùa Vạn Linh nổi lên uy nghi, trang nghiêm, xứng đáng trở thành Trung tâm hành hương và trở thành điểm tham quan du lịch hút khách của vùng đất An Giang.
Chùa Phật Lớn
Chùa Phật Lớn An Giang là một ngôi chùa cổ với tuổi đời hơn 200 năm. Đây vừa là công trình Phật giáo linh thiêng vừa là điểm đến tham quan và hành hương của khách thập phương xa gần thuộc khu du lịch núi Cấm. Chùa có diện tích 13.160 m2 thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Tương truyền, xưa kia chùa là căn cứ bí mật của nhà cách mạng yêu nước Trương Định. Nơi đây là địa điểm tập trung huấn luyện và chuẩn bị cho nhiều cuộc tập kích đánh phá thực dân Pháp của nhân dân ta. Cả căn cứ đã sinh hoạt hoàn toàn giống như một ngôi tự viện trong khu chánh điện uy nghiêm để tránh được tai mắt nhà cầm quyền. Ngày nay, nơi đây vẫn lưu giữ được một tượng Phật cao 1,2m ở khu chánh điện.
Ngoài ra, nơi đây còn có tượng Phật Di Lặc – công trình kiến trúc lớn nhất trên đỉnh núi châu Á. Với chiều rộng 27 x 27m, cao 33,6m và nặng gần 1.700 tấn.
Tọa lạc trên vồ cao thuộc khu vực hồ Thủy Liêm nằm vắt mình trên ngọn núi cao trên 700m so mặt nước biển, Tượng Phật Di Lặc lưng tựa núi, mặt hướng ra mặt hồ quanh năm ngấn nước trong xanh, như chiếc gương thiên nhiên khổng lồ bốn mùa soi bóng ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong dãi Thất Sơn huyền bí.
Nếu có dịp tham quan hay hành hương ở núi Cấm, bạn không nên bỏ qua nơi này nhé!
Hồ Thủy Liêm
Hồ nước Thủy Liêm nằm ngay trung tâm núi Cấm. Nó tạo nên cảnh quan hữu tình, thơ mộng lãng mạn cho nơi đây. Hồ nước có diện tích hơn 60.000 mét vuông với sức chứa hơn 300.000 mét khối nước. Xung quanh hồ được trồng hoa và được bắc 1 cây cầu chong chóng tạo cảnh quan tuyệt đẹp. Do nhu cầu tâm linh, hồ Thủy Liêm ngày nay còn trở thành địa điểm thả cá phóng sinh lý tưởng của du khách.
Nếu có dịp nghỉ đêm trên đỉnh núi cao nhất miền Tây này, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị và ấn tượng. Các quán cà phê từ bình dân đến sang trọng đều được xây dựng quanh bờ hồ Thủy Liêm, hướng mặt ra hồ và đón từng làn gió mát dịu. Du khách có dịp trò chuyện với người dân bản địa, tìm hiểu về cuộc sống ẩn dật của các vị đạo sĩ trên đỉnh non thiêng và nghe những câu chuyện thú vị, hấp dẫn về một vùng đất đã làm nên Thất Sơn huyền bí.
Vồ Bồ Hong
Vồ Bồ Hong (hay điện Bồ Hong) là vồ cao nhất trong 5 cái vồ của núi Cấm và trong dãy Thất Sơn. Độ cao của vồ Bồ Hong (cũng là của núi Cấm) là 705 mét.
Từ chùa Vạn Linh cách Vồ Bồ Hong với độ cao khoảng 170m, tuy nhiên để leo bộ lên được đến Vồ này thì phải mất có khi đến 2 tiếng vì địa hình nơi đây dốc rất đứng, vì vậy việc di chuyển vừa khó khăn lại tốn nhiều sức lực.
Tuy nhiên, khi lên đỉnh Bồ Hong, du khách có thể bao quát và ngắm được toàn cảnh vùng núi Cấm tựa như một tấm lụa đa sắc màu. Tương truyền, trước đây có nhiều côn trùng gọi là bồ hong sinh sống nên mới gọi là Vồ Bồ Hong. Trên Vồ này có thờ tượng Ngọc Hoàng, hàng năm có rất đông người đến tham quan và chiêm bái.
Tịnh Thất Vạn Thiên
Chúng tôi may mắn được quen với người của Tịnh Thất Vạn Thiên nên trong chuyến đi vừa rồi có ghé qua Tịnh Thất Thăm Viếng và nghỉ chân.
Nơi đây các hồ Thanh Long không xa, khoảng gần 1km đi theo đường lộ trên núi. Để bước vào Tịnh Thất bạn sẽ đi qua cây cầu gỗ có tên là Đoạn Trần Kiều, khung cảnh nơi đây rất thanh tịnh và yên bình tựa tiên cảnh.
Phía trước Tịnh Thất có trồng nhiều lan, cây ăn trái, sau vườn là rất nhiều các loại rau màu. Bởi khí hậu nơi đây rất ôn hòa, ở trên cao nhiệt độ thấp, thời tiết se lạnh nên rau màu cực đa dạng và tươi tốt. Ẩn bên trong Tịnh Thất là Vồ Bạch Ngọc, để đến thú và cúng viếng nơi này, bạn cần xin phép người cai quản nơi đây nhé!
Các địa điểm du lịch núi Cấm khác
Ngoài các địa điểm tâm linh cực nổi tiếng ở trên, núi Cấm còn có rất nhiều điểm đến đáng tham quan mà có lẽ đi cả ngày cũng không hết. Nếu có dịp dừng ở đây thăm thú nhiều ngày, bạn có thể tham quan thêm các Vồ còn lại của núi Cấm:
- Vồ Đầu: tọa lạc ở phía Tây Bắc của núi Cấm, với độ cao 584 mét.
- Vồ Bà (còn có tên gọi khác là Vồ Bà Phnom Barech): có độ cao 579 mét ở hướng Nam.
- Vồ Ông Bướm: nằm ở phía Bắc cao 480 mét.
- Vồ Thiên Tuế (còn có tên gọi khác là Vồ Phnom Prapéal): cao 514 mét, ở về hướng Đông.
Bên cạnh đó, ở đây có đa dạng các mô hình quán nước, quán ăn với tầm nhìn cực thu hút.
Nếu bạn muốn quan sát toàn quan cảnh núi Cấm từ trên cao, lựa chọn di chuyển lên núi bằng cáp treo là lựa chọn cực hấp dẫn đó.
Nếu bạn yêu thích leo núi, trekking khám phá hay yêu mến tìm hiểu vùng đất tâm linh bí ẩn này, hãy theo dõi Facebook và YouTube để xem thêm những hành trình khám phá khác của Tiêu Dao Tử nhé!