Thác Tiên Sa được thiên nhiên ưu ái với vẻ đẹp hoang sơ và kì vĩ, nhưng có lẽ đây lại là một cái tên xa lạ với nhiều người, bởi lẽ khi nhắc đến những con thác lớn ở Đăk Nông, người ta vẫn thường nghĩ ngay đến thác Liêng Nung, Lưu Ly, Đăk G’Lun, Dray Sáp,…
Hơn nữa, chẳng thể tìm được bất kì thông tin nào liên quan đến thác Tiên Sa trên các phương tiện tìm kiếm. Vậy thì thác Tiên Sa ở đâu và đường đến thác Tiên Sa khó khăn như thế nào? Hãy xem tiếp bài viết bên dưới để tìm hiểu về vẻ đẹp còn ẩn sâu trong rừng mà hiếm người biết đến của thác Tiên Sa Nam Tây Nguyên nhé!
Xem thêm:
>>> Trải nghiệm Camping trên đồi thông Nam Tây Nguyên cực chill
>>> Hành trình khám phá rừng Nam Tây Nguyên: Dốc Mây – Đồi cỏ tranh
THÁC TIÊN SA Ở ĐÂU?
Thác Tiên Sa ở đâu chắc chắn sẽ là thắc mắc của rất nhiều người, dòng thác này nằm ẩn mình sâu bên trong lõi của rừng Nam Tây Nguyên. Khu rừng này tọa lạc tại huyện Tuy Đức tỉnh Đăk Nông, hiện nơi đây vẫn lưu giữ được nét đẹp hoang sơ thuần thiên nhiên do chưa bị khai thác du lịch và được sự quan tâm, bảo tồn chặt chẽ từ những anh kiểm lâm nơi đây.
Có dịp được đến và tham quan khu rừng này trong vài ngày, chúng tôi may mắn được khám phá và tìm hiểu thêm về một nơi còn lưu giữ nhiều loài cây gỗ lớn, quý hiếm, cùng với đó là nhiều loài động vật đang được bảo tồn và gìn giữ rất tốt.
Nhìn từ trên cao, cả cánh rừng Nam Tây Nguyên đặc trưng và nổi bật bởi những cây bằng lăng có kích thước lớn, cao thẳng tắp, hoa bằng lăng màu trắng tạo nên những mảng màu tuyệt đẹp xen lẫn màu xanh của rừng núi, bức tranh sinh động được vẽ nên như một tuyệt tác mà thiên nhiên ban tặng cho núi rừng nơi đây.
Bên trong rừng Nam Tây Nguyên có nhiều con suối nhỏ, những loại cây di sản có tuổi đời và kích thước rất lớn vẫn còn được gìn giữ, những tảng đá bazan có hình dáng cực đặc biệt được thiên nhiên ưu ái ban tặng đã khiến cho nơi này trở nên kì bí và hấp dẫn hơn cả. Nếu bạn tò mò về vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên này thì xem thêm tại đây nhé!
VẤT VẢ ĐƯỜNG ĐẾN THÁC TIÊN SA RỪNG NAM TÂY NGUYÊN
Chúng tôi bắt đầu một ngày mới bằng những tô mì gói, được chế biến từ những bàn tay khéo léo của các anh kiểm lâm nơi đây, cả nhóm có thể tiếp đủ năng lượng để bắt đầu một hành trình khám phá đường đến thác Tiên Sa tuyệt đẹp ẩn sâu trong lõi rừng nguyên sinh này rồi!
Để đến được với con thác, chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần cho một hành trình chinh phục đoạn đường rừng đầy cam go. Nơi đây vốn dĩ chưa được khai thác du lịch, cũng chưa từng có người đến tham quan khám phá, nên đường đi hay lối mòn trong rừng Nam Tây Nguyên hẳn là chưa có.
Từ nhà dài nơi chúng tôi nghỉ ngơi đi đến bìa rừng khoảng 2km có thể di chuyển bằng xe lớn vì nơi đây là đường quốc lộ. Cuộc hành trình bắt đầu từ bìa rừng, từ đây, chúng tôi di chuyển bằng xe máy trên một lối mòn cực nhỏ và rậm rạp khoảng vài cây số. Con đường đến thác Tiên Sa này vốn dĩ vừa được dọn xong dưới sự cho phép của ban quản lý, nên những đám cỏ tươi vừa được hạ xuống vẫn còn ngổn ngang dưới đất, trước hôm đó là một ngày mưa dài nên việc di chuyển của chúng tôi cũng bị hạn chế phần nào.
Càng vào sâu bên trong rừng, cả nhóm phải để lại xe máy vì nơi đó không còn lối mòn và có nhiều dốc, vực cũng như địa hình hiểm trở. Cuộc hành trình chinh phục thác Tiên Sa vẫn tiếp tục, dưới sự hướng dẫn và dẫn dắt của ban quản lý rừng Nam Tây Nguyên và những anh kiểm lâm nơi đây, chúng tôi được giới thiệu và biết thêm về một số cây gỗ quý còn lưu giữ trong khu rừng này trên đường đến thác Tiên Sa.
Đường đi vào đến thác Tiên Sa Nam Tây Nguyên càng lúc càng gian nan hơn khi phải vượt lên những con dốc khá đứng khiến chúng tôi mất khá nhiều sức. Đoạn đầu di chuyển, đường đi là những lớp lá khô dày phủ kín dưới chân, thêm vào đó là cơn mưa hôm trước khiến cho những lớp lá trở nên trơn hơn bao giờ hết.
Sau đoạn đường dày đặc lá rừng là đoạn có địa hình ghập ghềnh bởi những cục đá to phủ đầy rêu. Để di chuyển qua những đoạn này, mỗi bước đi đều phải thật thận trọng và vững chân để tránh gặp nguy hiểm trong lúc trekking trong rừng Nam Tây Nguyên.
Bắt đầu đến một đoạn cực khó khi phải men theo vách đồi, bên dưới là vực khá dốc và sâu, để qua được đoạn đường cam go này, chân chọn những gốc cây hoặc những hòn đá, hay có khi chỉ là một bục đất nhỏ thật vững để đạp lên làm điểm trụ, 2 tay chọn và bám chắc vào những cành cây tươi hoặc những gốc cây nhỏ quanh đó, cứ thế tay và chân kết hợp với sự tập trung cao độ và cẩn trọng hết mức để di chuyển qua được đoạn đường khó khăn này. Đường đến thác Tiên Sa thật sự rất gian gian…
Tiếp tục băng qua thêm một con suối nhỏ, di chuyển thêm một đoạn ngắn ven vách núi nữa là có thể đến được với chân thác Tiên Sa. Vẻ đẹp kì vĩ và hoang sơ của dòng thác này khiến ai nấy trong đoàn đều vỡ òa cảm xúc và quên đi hẳn những mệt mỏi và khó khăn trước đó.
THÁC TIÊN SA TUYỆT ĐẸP ẨN MÌNH TRONG RỪNG NAM TÂY NGUYÊN
Nằm ẩn mình sâu trong khu rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên rậm rạp và hoang sơ, khoác lên mình vẻ đẹp kì vĩ không hề kém cạnh những con thác lớn ở Đăk Nông. Tuy nhiên, thác Tiên Sa mang một vẻ đẹp riêng không dễ lẫn lộn, với độ cao lên đến vài chục mét, nước từ trên cao đổ xuống mạnh mẽ, nếu đi vào mùa mưa thì con thác sẽ còn đẹp hơn gấp nhiều lần.
Thác Tiên Sa có 2 tầng, điểm đặc biệt là 2 tầng thác xuất phát từ 2 nguồn nước khác nhau nhưng quy về chung một dòng. Tầng thác nhỏ phía trên chỉ cao khoảng vài mét, nước chảy nhẹ nhàng và êm dịu như những tấm rèm lấp lánh và tuyệt đẹp.
Tầng thác lớn ở dưới cao hàng chục mét, dòng nước cuồng cuộng và đổ xuống mạnh mẽ và cực hùng vĩ, những vách đá cũng trơn nhẵn bóng và nhuộm màu bí ẩn đầy mê hoặc.
Xung quanh dòng thác là những vách đá bazan có hình dạng đặc biệt và phủ đầy rêu xanh, mọi thứ ở nơi đây đều mang đến cho người chiêm ngưỡng một cảm giác bí ẩn, hoang sơ nhưng lại vô cùng thơ mộng và khác biệt.
Xung quanh chân thác và những tảng đá bẳng phẳng, chúng tôi cùng nhau thưởng thức món gà nướng và cơm lam ống tre tuyệt đỉnh của vùng đất Tây Nguyên này. Dụng cụ ăn uống cũng là những vật dụng được làm từ cây lồ ô, qua bàn tay khéo léo của các anh kiểm lâm nơi đây, chén, đũa hay muỗng bằng lồ ô đều đã được chuẩn bị sẵn sàng, bàn ăn là những chiếc lá rừng, bữa ăn tuy giản dị nhưng đậm chất rừng núi và đặc biệt là vô cùng ngon này khiến bất kể ai cũng sẽ nhớ mãi.
Ở trong rừng Nam Tây Nguyên, nên nước uống chúng tôi cũng lấy từ suối, sau đó cho vào ống lồ ô rồi đem nấu, dùng xong có thể bỏ lại mà không lo gây ô nhiễm cho rừng. Sau đó, chúng tôi trở về, vẫn là con đường ấy với những khó khăn lặp lại, nhưng lần này tinh thần lại phấn khởi hơn bao giờ hết, chính vì vậy đoạn đường trở về bìa rừng của chúng tôi cũng nhanh chóng và có phần dễ dàng hơn.
Kết thúc cuộc hành trình chinh phục thác Tiên Sa, mỗi người đều đã thấm mệt, nhưng thành quả nhận được lại vô cùng xứng đáng. Đây sẽ là điểm đến cực lý thú cho những du khách đam mê khám phá và chinh phục trong thời gian tới, tất nhiên chỉ những người yêu thiên nhiên và mong muốn du lịch gắn với bảo tồn và phát triển rừng thì mới được phép đến với vùng đất tuyệt đẹp này nhé!
NHỮNG LƯU Ý KHI TREKKING TRONG RỪNG NAM TÂY NGUYÊN
Sau đây là một số lưu ý mà cá nhân đúc kết được sau chuyến khám phá thác Tiên Sa, đây chỉ là những nhận định cá nhân mang tính chất tham khảo thôi nhé:
- Trong quá trình di chuyển trong rừng, bọn mình gặp khá nhiều các cây gai, nên các bạn cần lưu ý trước khi dùng tay bám vào một cây gì nhé. Hơn nữa, nên lựa chọn những cây tươi thay vì cây khô để tránh bám phải những cây mục gãy sẽ rất nguy hiểm.
- Nếu di chuyển trong rừng vào mùa mưa thì nhất định phải chuẩn bị sẵn trang phục chống vắt hoặc thoa kem chống vắt, trên đường di chuyển nhớ kiểm tra thường xuyên cổ, sau gáy và cổ chân để phát hiện và loại bỏ vắt kịp thời.
- Hơn nữa, trời mưa sẽ khiến đường rất trơn nên các bạn di chuyển cẩn thận từng bước để tránh bị té ngã trong lúc di chuyển. Việc trang bị một đôi giày chuyên trekking rừng cũng là điều cần thiết và quan trọng để đường đến thác Tiên Sa đỡ vất vả hơn nhiều.
- Trên đường di chuyển xuống thác, có rất nhiều gốc cây nhỏ chỉ cao khoảng 10-20cm nên rất dễ vướng chân, các bạn phải hết sức lưu ý nhé.
Trên đây là những cảm nhận và chia sẻ về trải nghiệm khám phá thác Tiên Sa trong rừng Nam Tây Nguyên của Tiêu Dao Tử. Sẽ còn rất nhiều chuyến hành trình chinh phục những điều mới lạ và hấp dẫn khác phía trước. Các bạn có thể truy cập Facebook và YouTube để tìm hiểu thêm nhiều chuyến đi đầy thú vị trên mọi miền đất nước cùng Tiêu Dao Tử nhé!