Khi đến khám phá Đăk Nông, chắc chắn các bạn không thể bỏ qua các miệng núi lửa ở Tây Nguyên kỳ vĩ thuộc Công viên địa chất toàn cầu Unesco Đắk Nông. Những miệng núi lửa ở Đăk Nông này hoạt động cách đây hơn 10.000 năm, chúng đều có quy mô lớn, đồ sộ và là những điểm đến cực hấp dẫn, nhất là đối với du khách đam mê mạo hiểm, thích khám phá những nét độc đáo, hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên.
Nếu bạn yêu thích khám phá Đăk Nông, xem thêm nhiều bài viết hơn tại đây nhé:
>>> Khám phá 5 dòng thác đẹp ở Đăk Nông vô cùng hoang sơ, kì vĩ
>>> Ngất ngây trước vẻ đẹp của 3 hồ nước ở Đăk Nông
CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT ĐĂK NÔNG VỚI NHỮNG MIỆNG NÚI LỬA KỲ VĨ
Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Đắk Nông có diện tích 4.760 km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Về địa giới hành chính, Công viên địa chất Đắk Nông nằm trải dài trên 6/8 huyện, thị của tỉnh, bao gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa.
Theo Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông, cách đây hơn 140 triệu năm, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất, từ một phần của đại dương rộng lớn, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa.
Các hoạt động của núi lửa đã phủ lên khu vực này một lớp dung nham bazan (dung nham bazan chiếm hơn 50% tổng diện tích công viên địa chất). Cách đây hơn 10.000 năm, nhiều miệng núi lửa trong khu vực vẫn còn hoạt động và tạo nên một hệ thống hang động núi lửa độc đáo, được đánh giá là có chiều dài, đồ sộ và độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo khảo sát, Công viên địa chất Đắk Nông có 5 miệng núi lửa đã được phát hiện, bao gồm: Núi lửa Nâm Dơng (huyện Cư Jút), núi lửa Băng Mo (huyện Cư Jút), núi lửa Nâm Blang, núi lửa Nâm Kar (huyện Krông Nô) và núi lửa Nâm Gle (huyện Đắk Mil), là nơi lưu giữ lịch sử kiến tạo địa chất của lớp vỏ Trái Đất. Cùng tìm hiểu về từng núi lửa có gì đặc biệt thu hút du khách đam mê mạo hiểm khi đến khám phá Đăk Nông nhé!
NÚI LỬA NÂM BLANG (CHƯ R’LUH)
Núi lửa Nâm Blang thuộc xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Trước kia được gọi với cái tên Chư R’Luh hay Chư B’Luk.
Theo các nhà khoa học, hoạt động của núi lửa này xảy ra cách đây khoảng 0,689 triệu năm đến 0,199 triệu năm, là núi lửa đặc trưng cho kiểu phun trào trung tâm (phun nổ). Đây là núi lửa duy nhất trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông tạo ra hệ thống 50 hang động dung nham, ẩn chứa nhiều điều thú vị thu hút nhiều người đến khám phá Đăk Nông.
>>> Xem thêm: Khám phá hệ thống hang động núi lửa Chư Bluk dài nhất Đông Nam Á (Phần 1)
>>> Xem thêm: Khám phá hang động núi lửa Chư Bluk – Hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á (Phần 2)
Từ quốc lộ 14 đi theo đường chính tầm 21,5km. Núi lửa Nâm Blang mang một vẻ đẹp hoang sơ với một bên là cánh đồng cỏ rộng mênh mông và một bên là cánh rừng thăm thẳm. Núi có hình nón cụt đặc trưng, có thể nhìn ngắm từ rất xa hoặc đến gần để khám phá miệng núi lửa ở Tây Nguyên này cũng là một trải nghiệm thú vị.
Từ chân núi có thể leo thẳng lên miệng núi lửa Nâm Blang để nhìn ngắm toàn cảnh cánh đồng dung nham hoang sơ tuyệt đẹp. Bạn cũng có thể đi đường vòng để đỡ dốc hơn nhưng khoảng cách xa và mất nhiều thời gian hơn, nếu đi thẳng lên sẽ chỉ mất khoảng 15 phút là có thể đến đỉnh. Đường di chuyển lên miệng núi lửa hoàn toàn không có lối mòn và bị che phủ bởi nhiều cây bụi rậm rạp, bạn sẽ phải giẫm lên những cục đá dung nham chông chênh, cứng và bén nên phải hết sức cẩn thận.
Mặc dù vậy, nhưng nơi đây vẫn rất nổi tiếng và thu hút nhiều nhà nghiên cứu, thám hiểm và những ai thích du lịch khám phá đến để chinh phục và trải nghiệm những miệng núi lửa và hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á.
>>> Xem ngay: Khám phá núi Lửa Chư Bluk | Công Viên Địa Chất Đak Nông
CỤM NÚI LỬA NÂM KAR
Nhóm miệng núi lửa ở Tây Nguyên này gồm 1 miệng chính (gọi là núi lửa Nâm Kar, ký hiệu là M) và 2 miệng phụ (ký hiệu là S1, S2), thuộc địa bàn huyện Krông Nô, tiếp giáp với xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong.
Hoạt động của núi lửa Nâm Kar xảy ra cách đây 5,3 – 0,78 triệu năm. Núi lửa có hình nón cụt, hay hình bát úp, miệng hình phễu trũng ở phần giữa; gờ miệng xung quanh nổi cao, đặc trưng cho kiểu phun trào trung tâm.
Để khám phá miệng núi lửa Nâm Kar, bạn chỉ cần mất khoảng 15 phút di chuyển, đường lên cũng đã có sẵn lối mòn lớn với độ dốc vừa phải, xung quanh ngọn núi lửa hay thậm chí trên bề mặt ngọn núi Nâm Kar người dân cũng đã trồng trọt canh tác ở trên nên tương đối mát mẻ và dễ chịu.
Từ miệng núi lửa Nâm Kar nhìn xuống có thể ngắm được bao quát phong cảnh núi non trùng điệp của Đăk Nông. Nếu so sánh giữa các miệng núi lửa ở Tây Nguyên, thì Nâm Kar được xem là ngọn núi lửa đẹp nhất và đáng trải nghiệm nhất.
>>> Xem ngay: Trekking Tà Đùng P1: Khám phá Hang động núi lửa Chư B’lưk , Núi Lửa Nâm Kar
NÚI LỬA BĂNG MO (EA TLING)
Núi lửa Băng Mo, trước đây gọi là núi lửa Ea T’Ling, nằm ở thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút. Đây là núi lửa trẻ, điển hình của kiểu phun trào trung tâm, có niên đại từ 200.000-600.000 năm.
Khu du lịch núi lửa Băng Mo là ngọn núi lửa duy nhất được nhà nước đầu tư bảo tồn với hình dạng tương đối tròn và rõ nét. Xung quanh khu vực này, có thể tìm thấy xỉ, tro, đá và bom núi lửa nằm trải rác.
Trên đỉnh ngọn núi lửa Băng Mo này có một trạm dừng chân tương đối đẹp và rộng rãi, thoáng mát, từ dưới chân núi lửa, nếu các bạn leo lên đến đỉnh của núi sẽ mất tầm hơn 30 phút và đặc biệt hơn nữa là phù hợp với tất cả mọi lứa tuổi có thể leo lên bởi sườn dốc thoải chứ không dốc đứng như những ngọn núi lửa khác. Đứng trên đỉnh núi, có thể phóng tầm mắt ôm trọn không gian của cả một vùng thị trấn yên bình.
Hệ thống cây cối xung quanh khá đang dạng với nhiều khu vực còn nguyên rừng sinh thái, đây sẽ là địa điểm lí tưởng cho những du khách đam mê trải nghiệm khám phá.
Cách quốc lộ 14 chỉ 2,3km và đường vào cũng rất dễ đi nên các bạn cứ yên tâm tận hưởng khi du lịch nơi đây. Khi đến khám phá Đăk Nông bạn không nên bỏ qua miệng núi lửa ở Tây Nguyên này nhé!
NÚI LỬA NÂM GLE (THUẬN AN)
Nằm ở huyện Đắk Mil, núi lửa Nâm Gle còn có tên gọi khác là núi lửa Thuận An, được xem là một trong những núi lửa trẻ ở khu vực Tây Nguyên. Hình dáng núi lửa này khác hẳn so với các núi lửa còn lại trong khu vực Công viên địa chất Đắk Nông.
Miệng núi lửa ở Tây Nguyên này có dạng hình oval kéo dài thành lòng máng hẹp, phần thấp nhất tạo nên rãnh hẹp sâu kéo dài. Từ trên cao nhìn xuống, núi lửa Thuận An trông giống như hai mảnh hến úp vào nhau. Đây là một núi lửa có sự kết hợp giữa phun trào khe nứt và phun nổ.
Núi lửa Nâm Gle hoạt động cách đây khoảng 781.000 – 126.000 năm. Ngay sát chân núi lửa là một hồ nước tự nhiên, được hình thành do quá trình hoạt động của núi lửa này. Khi đến khám phá Đăk Nông và núi lửa Nâm Gle, bạn nhớ ghé qua hồ nước này nha.
Núi lửa Thuận An gắn liền với truyền thuyết thú vị của người M’nông qua những giai thoại sử thi hấp dẫn, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những câu chuyện sử thi này mang đậm nét văn hóa và lưu giữ bản sắc cho người dân tộc M’Nông đến ngày nay. Khám phá Đăk Nông không chỉ tìm hiểu các địa điểm đặc biệt tại đây, mà những điều thú vị liên quan đến các câu chuyện tâm linh xoay quanh nơi này cũng rất đáng để tìm hiểu.
NÚI LỬA NAM DƠNG
Thuộc huyện Cư Jut, Nam Dơng là núi lửa lớn thứ ba của Công viên địa chất Đắk Nông, có cảnh quan thu hút và được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đường vào nơi đây khá khó khăn nên hầu như chưa được nhiều người biết đến.
Miệng núi lửa ở Tây Nguyên này có hình phễu với độ cao của địa hình ít khác biệt so với xung quanh. Đây là núi lửa dạng khiêng có diện phân bố đá bazan rộng lớn và rất ít tro vụn núi lửa. Theo độ cao của núi lửa, có thể gọi đây là núi lửa âm, bởi vì nhìn từ xa cũng như ở gần (trong vòng bán kính 1 – 2 km) không phân biệt được hình thái núi lửa.
Xung quanh ngọn núi lửa được bao phủ bởi nhiều lớp rừng cây, sinh vật đa dạng và phong phú. Khi các bạn đến đây, muốn đi tham quan tận bên trong thì nên đi theo đoàn bởi chỉ có những người dân bản địa hay hướng dẫn viên du lịch mới quen thuộc địa hình để tiến sâu vào trong được thôi. Hơn nữa, để đến được khu vực này bạn cần tìm hiểu đường đi trước để tránh đi lạc đường nhé.
Trên đây là 5 miệng núi lửa ở Tây Nguyên kỳ vĩ thuộc Công viên địa chất toàn cầu Unesco Đăk Nông, mỗi nơi tại đây đều có những điểm đặc biệt riêng, nhìn chung nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ nhưng không kém phần hữu tình vẫn luôn là điểm nổi bật nhất khi đến khám phá Đăk Nông.
Để xem thêm những hành trình khám phá khác của Tiêu Dao Tử, mời các bạn truy cập vào Facebook và YouTube nhé!