Thuật ngữ đi phượt là gì? Có thể nói xê dịch hiện đang là một trong những niềm đam mê của rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, để trở thành một trong những thành viên của cộng đồng xê dịch thì ngoài sức khỏe, kỹ năng di chuyển thì bạn cũng cần hiểu những thuật ngữ mà dân mê phượt thường sử dụng sau đây:
1. Phượt:
Thuật ngữ này dùng chỉ những người thích xê dịch, đi đây đi đó, khám phá thiên nhiên, các vùng đất tươi đẹp… bằng cách rong ruổi trên các cung đường khác nhau bằng xe máy. Lịch trình di chuyển, các điểm ăn uống, nghỉ ngơi đều được họ tự sắp xếp và lên lịch. Những người đam mê đi phượt là những người yêu thích tự do, lang thang bụi bặm và trải nghiệm bản thân ở những vùng đất xa lạ.
2. Leader (Trưởng đoàn):
Thuật ngữ đi phượt chỉ Người đứng đầu tổ chức một chuyến đi nào đó, trưởng đoàn sẽ lên lịch trình chi tiết gồm có các cung đường, địa điểm nghỉ ngơi, ăn uống, tuyển xế và ôm tham gia cùng. Leader thường là những người dày dạn kinh nghiệm về phượt và được các thành viên trong đoàn tín nhiệm.
3. Dẫn đoàn:
Người chạy đầu tiên để dẫn đường trong đoàn phượt, các xe phía sau sẽ chạy theo. Người dẫn đường thường là những người có nhiều kinh nghiệm trong chạy xe, nắm rõ địa hình di chuyển và luôn có bản đồ trong tay. Dẫn đoàn sẽ giúp cho đoàn giữ đúng tốc độ di chuyển cũng như thông báo các chướng ngại vật phía trước một cách kịp thời.
4. Chốt giữa:
Người đi giữa đoàn xe, bao quát hết cả phía trước và phía sau cũng như dừng lại tại các ngã ba ngã tư để chỉ đường cho các nhóm xe phía sau đi tiếp.
5. Chốt đoàn:
Người chạy xe cuối cùng của đoàn, có nhiệm vụ kiểm tra số lượng thành viên di chuyển cũng như hỗ trợ khi có xe bị tụt lại phía sau. Chốt đoàn cũng sẽ là những người dày dạn kinh nghiệm và đặc biệt là có thể sửa được xe khi gặp sự cố.
6. Xế:
Người cầm lái chạy chính và chủ yếu là các anh trai khỏe mạnh, chắc tay lái
7. Ôm:
Những người ngồi phía sau người lái chính và thường sẽ là các chị em phụ nữ
8. Lên cung:
Lên lịch trình cụ thể rõ ràng cho một chuyến đi bao gồm quãng đường phải đi, các điểm nghỉ ngơi dọc đường, các điểm ngủ buổi tối, các điểm dừng lại để chơi, độ dài phải đi mỗi ngày, các điểm ăn uống, đồ dùng cần mang theo, số thành viên tham gia, số tiền cần đóng, tổng thời gian di chuyển, các điều cần lưu ý
9. Cua tay áo:
Những khúc cua gấp nguy hiểm nằm ở nhiều đoạn đèo dốc, thường gặp phải ở các con đèo đi đến vùng Tây Bắc
10. Tứ đại đỉnh đèo:
Chỉ 4 đỉnh đèo nguy hiểm bậc nhất ở vùng rừng núi phía Bắc. Bao gồm đèo Mã Pí Lèng (còn gọi là Sống mũi ngựa, dài 20km, thuộc tỉnh Hà Giang), đèo Ô Quy Hồ (hay đèo Hoàng Liên Sơn, dài 40km, nối 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu), đèo Pha Đin (dài 32 km, nối hai tỉnh Sơn La và Điện Biên) và đèo Khau Phạ (dài hơn 30 km, thuộc tỉnh Yên Bái).
11. Tứ đại tử địa:
4 địa điểm khó chinh phục nhất của tỉnh Yên Bái, nơi thâm sâu cùng cốc, khó nhằn với những đoạn đường phải đi xuyên trong rừng gồm Háng Tề Chơ, Tà Sì Láng, Phình Hồ và Làng Nhì, Tà Si Láng.
12. 4 cực 1 đỉnh:
Chỉ 4 cực của đất nước là Cực Đông (mũi Đôi, Khánh Hòa), cực Tây (Apachai, Điện Biên), cực Nam (mũi Cà Mau), cực Bắc (cột cờ Lũng Cú, Hà Giang) và đỉnh Fansipan.
13. Đi chấm:
Có nghĩa là đi theo tọa độ định vị của GPS, tìm những điểm giao nhau của vĩ tuyến chẵn và kinh độ chẵn
14. Đi Trek (hay Trekking):
Chỉ việc đi bộ khám phá, qua những địa hình thử thách sức khoẻ, khám phá các vùng miền, làng bản, các con thác, ngọn núi nằm phía sâu trong rừng… ví dụ như đi trek Tây Yên Tử, trekking vườn Bidoup Núi Bà, trekking rừng Nam Cát Tiên,… Đi trekking thường đòi hỏi cao về mặt sức khỏe vì các thành viên phải tự mang vác các vật dụng cá nhân, đồ ăn thức uống và di chuyển liên tục trong nhiều ngày. >>> Xem ngay: Trekking chinh phục Đỉnh Tà Đùng
15. Hiking:
Cũng giống như trekking, hiking là hoạt động đi bộ đường dài, băng qua các con đèo, ngọn núi, lên rừng,… tuy nhiên sẽ là những cung đường mòn có sẵn hoặc được nhựa đã được làm, còn trekking thì lại đi trên nhiều địa hình, khám phá những điểm mới nên sẽ có tính thử thách và mạo hiểm hơn.
16. Tourguide:
Người dẫn đường cho cả chuyến đi, đây là những người am hiểu tường tận các điểm di chuyển cũng như có nhiều kỹ năng khi đi rừng, đi núi, ứng phó sự cố
17. Porter:
Cụm từ dùng để chỉ những người hỗ trợ chở đồ, mang vác những vật nặng khác cho các thành viên trong đoàn ví dụ như Porter leo Tà Xùa, leo Tà Đùng,…
18. Offroad:
Dùng để chỉ những cung đường gồ ghề, nhiều đất đá sỏi đòi rất nguy hiểm và khó di chuyển đòi hỏi người cầm lái phải bản lĩnh và kỹ năng xử lý
19. Say đường:
Thuật ngữ đi phượt này nói đến những người lái xe khi cầm lái cứ muốn chạy hoài do cung đường quá đẹp, chứ không muốn dừng lại
20. Nhớ đường:
Chỉ những ai thường xuyên xê dịch, ở lâu một chỗ sẽ thỉnh thoảng hồi tưởng lại những cung đường mà mình đã đi qua
21. Ngứa chân:
Cảm giác thèm đi chơi, thèm mùi nắng gió và muốn được đi ngay lập tức
22. Người trong giang hồ:
Là thuật ngữ đi phượt dùng để nói cộng đồng những người cùng đam mê du lịch, mặc dù không quen biết nhau nhưng biết tiếng biết mặt, gặp nhau trên đường sẽ chào nhau, khi gặp khó khăn thì sẵn sàng giúp được.
23. Ngựa sắt (chiến mã):
Là những chiếc xe mà người lái sử dụng để chạy trên mọi cung đường.
24. Đi chấm điểm:
Nhắc đến những người có cách đi hời hợt, chỉ đi để check in nhiều điểm chứ không giành thời gian để tìm hiểu về thiên nhiên và con người.
25. Săn mây, Săn lúa, Săn tuyết:
Những cụm từ nói đến những thời điểm gắn liền với đặc sản thiên nhiên đặc trưng chỉ có ở vùng miền nào đó, ví dụ như săn mây Y Tý, săn lúa Mù Căng Chải,…
26. Ảnh tặc:
Một thuật ngữ đi phượt chỉ những đứa chuyên gia lao ra trước máy ảnh để chụp hình, sau đó mới chịu nhường chỗ trống cho những người khác tác nghiệp
27. Ọp ẹp:
Sau những buổi online thì các đoàn sẽ có các buổi offline giao lưu trực tiếp, đọc nhại theo kiểu tiếng Việt là ọp ẹp.