Đỉnh Tà Đùng có độ cao gần 2000m, nằm sâu bên trong những cánh rừng già của khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thuộc hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Hành trình trekking Tà Đùng của mình xuất phát từ Cần Thơ và diễn ra trong vòng 4 ngày di chuyển liên tục với nhiều cung đường từ dễ đến khó. Mỗi nơi mà mình được khám phá đều để lại những ấn tượng và cảm xúc đặc biệt.Và đây là những ấn tượng trong chuyến khám phá của mình ở ngày thứ hai. Sau khi chinh phục được Thác Phi Liêng (Thác bảy tầng) hoang sơ hùng vĩ:>>> Xem ngay:
Tiếp tục hành trình trekking để đến gần hơn với đỉnh Tà Đùng, đoàn mình di sẽ di chuyển thêm khoảng 5km để đến điểm tập trung hạ trại nghỉ qua đêm. Cố gắng di chuyển nhanh và an toàn trước khi trời tối.
Đoạn dốc leo xuống chỉ vài trăm mét nhưng rất nguy hiểm khi có độ nghiêng đến 70 độ so với mặt phẳng. Để xuống được phía dưới, từng thành viên của đoàn phải đi thật chậm, lựa những điểm đáp bằng phẳng, bám chặt vào các rễ cây leo và hạ xuống từ từ
Có những đoạn dốc sẽ trống, không có cây bám vào, bạn phải đi ngược và bám chắc vào các mỏm đá nhỏ trên đường đi xuống. Nền đất đá cùng với lá cây mục rụng xuống, kết cấu sẽ không được chặt nên rất dễ trợt chân.
Các dây leo, các bụi cây thấp ở đây rất nhiều gai, khi bám leo xuống sẽ bị trầy xước rất nhiều
Ở phía dưới những con dốc là những tảng đá to, nếu té xuống chắc chắn sẽ bị chấn thương, do đó mọi người khi di chuyển đều rất cẩn trọng
Đoàn tiếp tục xuống dốc theo từng tốp, mỗi tốp đều có các anh kiểm lâm hỗ trợ để đảm bảo mọi người đều an toàn
Leo dốc ngoài nỗi sợ về độ cao, về độ trơn của nền đất rất dễ trợt chân thì còn một mối nguy hiểm nữa đó là đá lăn. Những hòn đá bám vào nền đất khi nhiều người đạp lên để di chuyển rất dễ làm cho nó rớt xuống.
Đoàn của mình đã bị một tảng đá lăn từ trên cao xuống, may mắn là chỉ đập vào đùi của một thành viên, nếu đầu vào đầu hoặc bụng thì rất dễ bị té từ trên cao xuống rất nguy hiểm đó các bạn.
Sau hơn một tiếng leo vách núi dựng đứng 70 độ, cả đoàn đã an toàn xuống được phía dưới, ở đây cũng có một con thác nhỏ rất đẹp.
Kỹ năng trekking qua những con dốc đứng
Núi rừng Tây Nguyên luôn là một nơi kì bí và đầy thử thách cho những ai muốn chinh phục. Đặc biệt những con dốc đứng chính là những trở ngại mà bạn sẽ gặp phải, mình sẽ chia sẻ chút kỹ năng để các bạn có thể vượt qua được độ nguy hiểm của địa hình này nhé:
Đi theo đường zigzag, chống gậy để lấy đà bước về phía trước, bám chặt vào các thân cây, các tảng đá. Nên khom người giữ cho trọng tâm balo hướng về phía trước, lòng bàn chân nên đi theo hướng nghiêng
Đi ngược, mặt đối diện với vách núi, sử dụng cả hai tay bám thật chắc để leo xuống. Dùng một chân hai tay hoặc một tay hai chân làm điểm tựa, tay và chân còn lại tìm một điểm tựa thấp hơn để bám vào.
Quan sát kỹ không gian xung quanh để xác định hướng di chuyển an toàn nhất, chọn những cành cây chắc để bám vào cũng như lựa vị trí đáp chân thật chắc, tránh trợt chân. Vừa di chuyển vừa nhìn phía trên để tránh những sự cố như đá lăn, sạt lở đất, cây gãy…
Di chuyển đều để dưỡng sức, nếu cảm thấy đuối sức thì dừng lại nghỉ ngơi, không nên cố leo tiếp. Và nhớ đi nối đuôi theo đoàn, gần những người khỏe mạnh để có thể hỗ trợ nhau nhé
Di chuyển đến bãi khai thác vàng hạ trại
Leo xuống tới chân con dốc là cả đoàn bắt đầu thấm mệt rồi mấy bạn, nghỉ ngơi một chút rồi tiếp tục di chuyển theo một con suối nhỏ để đến bãi khai thác vàng hạ trại.
Độ dài của đoạn đường này là khoảng 2km với đường đi chủ yếu là sỏi đá rất sắc bén và dễ vấp té.
Con đường này nằm giữa các đồi núi phủ đầy cây rừng nên không khí rất thoáng đãng, thời tiết không mưa và nắng cũng không gắt lắm nên di chuyển tương đối ít gian nan.
Đến khoảng 4 giờ chiều thì cả đoàn đã đến được với bãi khai thác vàng để nghỉ ngơi, hạ trại và qua đêm tại đây.
Theo chia sẻ của các anh kiểm lâm thì bãi khai thác vàng này nằm ở giữa hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Trước đây là bãi khai thác vàng lậu, sau khi được triệt phá thì bãi này để trống, nhưng hiện tại vẫn còn hàm lượng thủy ngân ở dưới dòng suối nên không thể sử dụng nguồn nước này để tắm hay nấu nướng. Nước để mọi người sử dụng sẽ được dẫn bằng ống từ con suối ở phía trên cao xuống.
Thưởng thức bữa tối giữa núi rừng
Trong khi mình đi tắm suối thì các anh kiểm lâm chuẩn bị bữa tối cho mọi người. Công nhận anh nào cũng hết sức chuyên nghiệp, nhóm thì đi chài cá suối, nhóm làm gà, nhóm làm thịt heo,… toàn những món hấp dẫn.
Bạn thắc mắc không biết ăn uống bằng gì đúng không? Thì đây, những cái ly, chén, đũa, đồ đựng thức ăn đều được làm bằng tre, vừa đậm chất núi rừng vừa bảo vệ môi trường luôn.
Lửa là thứ không thể thiếu khi cắm trại giữa núi rừng, ngoài để nấu nướng thì còn để sưởi ấm giữa đêm và có ánh sáng để tránh thú dữ lại gần nha các bạn. Mấy cây gỗ để nhóm lửa thì xung quanh đây rất nhiều, đi tìm một chút là đủ đốt cho cả đêm.
Khúc này chill nhất nha các bạn, sau một ngày mệt mỏi trèo đèo lội suối thì sẽ có những phút giây thư giãn với những người đồng đội như thế này.
Trăng hôm đó cũng rất sáng, định ngồi ngắm trăng hết đêm mà hơi đuối với lại phải dưỡng sức cho chuyến leo núi ngày mai, độ cao đến tận 1982m nên phải đi ngủ sớm nha mấy bạn.
Hết ngày 2 là coi như đã gần hơn với đỉnh Tà Đùng, nóc nhà Tây Nguyên rồi mấy bạn. Một ngày quả thực gian nan nhưng khi chinh phục được thì cảm thấy thực sự mãn nguyện với những gì mình nhìn thấy. Những tuyệt tác của mẹ thiên nhiên lúc nào cũng khiến chúng ta muốn khám phá cho bằng được.
Hành trình trekking Tà Đùng của mình sẽ còn tiếp tục, các bạn nhớ theo dõi ở phần tiếp theo nhé, cảm ơn các bạn rất nhiều!>>> Bạn có thể xem chi tiết ở đây nhé: