Đăk Nông là một tỉnh với 41 dân tộc cùng sinh sống đã tạo nên sự đa dạng văn hóa dân gian cho vùng đất Tây Nguyên kỳ bí này. Du khách khi đến tham quan khám phá Tây Nguyên, ngoài mong muốn thăm thú cảnh quan tươi đẹp, họ còn hứng thú trải nghiệm những nét văn hóa dân gian độc đáo nơi đây. Cùng tìm hiểu về những sắc màu văn hóa dân tộc ở Đăk Nông qua bài viết dưới đây nhé!
Xem thêm:
>>> Khám phá 3 lễ hội truyền thống ở Đăk Nông
>>> Top 4 địa điểm du lịch tâm linh ở Đăk Nông – bạn nhất định nên ghé thăm
SINH HOẠT CỒNG CHIÊNG – ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA DÂN GIAN Ở ĐĂK NÔNG
Đến với Tây Nguyên, ai cũng muốn được thưởng thức những âm thanh trầm bổng, vang vọng của cồng chiêng giữa núi rừng đại ngàn. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt bởi sự đa dạng độc đáo của kỹ thuật diễn tấu, mà còn là tiếng nói tâm linh, là biểu tượng cho cuộc sống của con người nơi đây.
Cồng, chiêng được làm từ hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 50-60cm, loại cực đại tới 90-120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18-20 chiếc.
Trải qua năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên. Những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng, đã sống mãi cùng đất trời và con người Tây Nguyên.
Âm thanh của cồng chiêng như xoa dịu nỗi buồn, sự đớn đau, nỗi cô đơn trống vắng hay tủi hờn trong bất hạnh. Người giàu sang, kẻ nghèo hèn, già trẻ, gái trai như bị thôi miên, khao khát tìm về cội nguồn, gắn kết trong vũ điệu cồng chiêng say lòng người.
Tiếng cồng chiêng âm vang gắn liền với hình ảnh những thành viên mới trong gia đình chào đời, hình ảnh những đứa trẻ lớn lên qua từng giai đoạn của đời sống, hình ảnh về những buổi sinh hoạt, lao động và giải trí của buôn làng.
Vào những ngày lễ hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Đây cũng chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người. Chính những nét đặc sắc hiếm có của vùng đất này đã tạo nên màu sắc văn hóa dân gian nổi bật của Đăk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
SỬ THI – LINH HỒN CỦA VĂN HÓA DÂN GIAN TÂY NGUYÊN
Tây Nguyên được coi là mảnh đất của huyền thoại và sử thi chính là những áng anh hùng ca ca ngợi cuộc sống, tình yêu, con người của vùng đất huyền thoại ấy. Có thể nói, sử thi là linh hồn của văn hóa dân gian Tây Nguyên. Tùy theo mỗi dân tộc, sử thi được gọi với những tên khác nhau như: Khan (đồng bào Ê Đê), H’amon (đồng bào Ba Na), Hri (đồng bào Gia Rai)…
Sử thi có thể coi là cuốn “bách khoa toàn thư” của đồng bào Tây Nguyên. Bởi qua đó, người ta thấy được cả một bề dày văn hóa, một chiều dài lịch sử, cũng như những kinh nghiệm sống được tích lũy lâu đời. Đến nay, sử thi Tây Nguyên vẫn được lưu truyền nguyên bản trong nhân dân, vẫn được trình diễn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, chứng tỏ rằng sử thi vẫn luôn tồn tại trong dân gian thay vì sách vở. Đây cũng chính là nét văn hóa dân gian cực độc đáo của Tây Nguyên.
Nội dung của sử thi chứa đựng những biến cố của dân tộc, xoay quanh những chiến công của những anh hùng có công bảo vệ buôn làng, chống lại những thế lực đen tối. Những nhân vật trong sử thi không mang tính cá nhân, mà đại diện cho ước vọng của cả cộng đồng, cho những cuộc đấu tranh vì lý tưởng nhân văn cao cả. Đó là những anh hùng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư…
Tuy sử thi được truyền tải đến người nghe qua hình thức hát, kể, diễn xướng với hàng nghìn câu hát theo văn vần đặc biệt và dễ nhớ đối với các nghệ nhân, nhưng hiện tại văn hóa sử thi Tây Nguyên đang dần bị mai một bởi còn rất ít người còn có thể hát và kể được sử thi Ê Đê và M’Nông.
Nếu ai đã một lần thưởng thức qua những áng sử thi hùng hồn và độc đáo ấy, cùng với đó là những ánh lửa bập bùng của các lễ hội văn hóa dân gian ở Tây Nguyên, chắc hẳn bạn sẽ rất thích thú và tự hào về một nét văn hóa dân gian cực đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên kỳ bí này.
ĐẮM SAY ĐIỆU MÚA CỦA NGƯỜI DÂN TỘC M’NÔNG Ở ĐĂK NÔNG
Trong quá trình sinh sống và phát triển, đồng bào M’Nông ở Đăk Nông đã sáng tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phong phú. Trong đó, bằng sự mô phỏng các động tác lao động, sản xuất, đồng bào đã tạo ra những điệu múa làm đắm say lòng người.
Có thể nói, với đồng bào M’nông, múa rất quan trọng, múa không chỉ có mặt trong các lễ hội mà còn gắn liền với các sự kiện trọng đại của gia đình như cưới xin, vào nhà mới…Chính các điệu múa tạo ra không khí linh thiêng, vui tươi, sống động cho lễ hội. Từ đó tạo nên bản sắc văn hóa dân gian cực độc đáo cho người M’Nông ở Đăk Nông.
Múa của đồng bào M’nông có rất nhiều thể loại như: Múa sinh hoạt, múa tập thể, múa tín ngưỡng, múa độc diễn, múa đạo cụ… Mỗi điệu múa đều có nội dung khác nhau, nhưng chung quy lại đều thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.
Bằng sự uyển chuyển của cơ thể mà những hình ảnh sinh hoạt, lao động hết sức bình dị của cộng đồng được tái hiện một cách sâu sắc. Tiêu biểu, phổ biến nhất là điệu múa đánh chiêng – điệu múa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các động tác của tay và chân.
Những điệu múa này đã tạo nên sự gắn kết cho những người dân của nơi đây, hơn thế nữa, những điệu múa này còn mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, gia đình ấm no, khỏe mạnh, sung túc cho cả buôn làng. Lâu dần đã trở thành nét văn hóa dân gian đặc trưng cho vùng Tây Nguyên kỳ bí.
VĂN HÓA ẨM THỰC Ở ĐĂK NÔNG
Đến với vùng đất Đăk Nông đầy mê hoặc này, bạn nhất định phải thưởng thức qua những món ăn đặc trưng của vùng núi rừng Tây Nguyên như: cơm lam, canh thụt, rượu cần,… mới có thể cảm nhận được trọn vẹn hương vị của nơi đây. Những món ăn này được bày ra trong mỗi dịp lễ hội hoặc tiếp khách quý đến với buôn làng.
Rượu cần được làm với những công đoạn khá là công phu và bằng những nguyên liệu có từ trong tự nhiên ở đây như là lá, rễ cây rồi sau đó ủ lên men rượu. Món rượu cần này vừa mang một giá trị văn hóa dân gian vừa mang một giá trị vật chất, nó tạo nên sự may mắn cho người dân. Đây là thức uống mà người M’nông xem là của thần linh ban cho.
Song hành với rượu cần thì phải kể đến canh thụt và cơm lam trong những mùa lễ hội. Cơm lam được người M’nông nướng rất khéo, với nguyên liệu truyền thống từ xưa đến nay vẫn là gạo nếp, vẫn có thể trộn thêm một số loại đậu vào để tăng thêm sự bắt mắt cho món ăn. Sau đó được gói trong lá chuối và nướng, nhưng độc đáo ở đây là khi nướng xong lá chuối vẫn còn xanh mà cơm lam trong đã chín và bay mùi thơm phức.
Món canh thụt là một món ăn đậm chất núi rừng. Món này được chế biến với nguyên liệu chính là đọt mây, bép, cà đắng và ớt. Ngoài ra, để tạo thêm sự đa dạng cho món này thì người ta cho thêm nguyên liệu đó là cá khô – một loại cá nhỏ dưới suối và đem phơi khô, hoặc là sườn heo. Gia vị chính để nêm món này là bột ngọt và muối mà không dùng thêm bất cứ một loại gia vị nào khác. Món ăn được thụt vào 1 ống lồ ô sao cho các nguyên liệu nhuyễn ra và hòa trộn lại với nhau.
Hoà cùng với điệu nhảy xoan bên bếp lửa và tiếng cồng chiêng vang xa là hương vị của rượu cần, cơm lam và canh thụt làm hấp dẫn và say mê lòng người. Du khách sẽ không thể nào quên được hương vị của những món ăn đặc sản đã dần dà trở thành nét văn hóa dân gian đặc trưng truyền thống cho vùng đất đầy nắng, gió và hữu tình này.
VĂN HÓA DỆT THỔ CẨM – VĂN HÓA DÂN GIAN CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN
Bao đời nay dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng đầy tự hào, nét đẹp văn hóa dân gian không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đắk Nông nói riêng.
Đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Nông gồm M’nông, Mạ, Ê đê. Xưa kia, bà con sử dụng nguyên liệu dệt là sợi chỉ làm từ bông, hoặc gai. Sợi chỉ được nhuộm màu bằng các loại cây rừng. Ngày nay, chủ yếu các bà, các chị dệt bằng sợi len nhưng hoa văn trên nền vải vẫn là chim muông, hoa lá, hạt giống, hoặc mô phỏng hoạt động của con người và các hiện tượng thiên nhiên.
Nếu tấm vải thổ cẩm của người M’nông nổi bật với màu đen và xanh thì trang phục của dân tộc Mạ là 2 màu trắng, đỏ; còn màu chủ đạo trên trang phục của người Ê đê là đỏ và đen. Dẫu vải công nghiệp, trang phục hiện đại đã trở nên thông dụng, nhưng ngày nay, tấm vải thổ cẩm vẫn là lễ vật trong đám cưới, đám hỏi; là món quà của mẹ tặng con vào những dịp trọng đại.
Các làng nghề dệt thổ cẩm ở Đăk Nông hiện tại cần được bảo tổn và phát huy để giữ vững nét văn hóa dân gian đặc trưng cho vùng đất cao nguyên này.
Trên đây là những nét văn hóa dân gian đặc trưng ở Đăk Nông nói riêng và văn hóa Tây Nguyên nói chung, chính những điều đặc biệt này đã thu hút du khách đến tham quan khám phá và tìm hiểu.
Các bạn truy cập Facebook và YouTube để tìm hiểu thêm nhiều chuyến khám phá đầy thú vị trên mọi miền đất nước cùng Tiêu Dao Tử nhé!