Những cách xác định phương hướng sẽ giúp ích rất nhiều cho các chuyến đi rừng, đi núi của bạn, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp như bị lạc. Hãy nắm chắc các cách sau đây trước khi khởi hành chuyến đi để đảm bảo bạn có chuyến đi an toàn và trọn vẹn.
>>> Xem thêm: Kỹ năng sinh tồn khi bị lạc trong rừng
1. Cách xác định phương hướng khi đi rừng bằng la bàn
Sử dụng la bàn là cách đầu tiên mà bạn nên thực hiện để xác định phương hướng, mặc dù hiện nay đã có điện thoại, định vị GPS nhưng nếu được, hãy trang bị một chiếc la bàn cầm tay. Trước hết bạn cần phải biết hướng nào ra khỏi rừng hay “hướng nào có cái gì” để quyết định hướng đi đúng
Trên la bàn sẽ có các kí hiệu:
- N: Hướng Bắc
- S: Hướng Nam
- E: Hướng Đông
- W: Hướng Tây
- NE: Hướng Đông Bắc
- SW: Hướng Tây Nam
- NW: Hướng Tây Bắc
- SE: Hướng Đông Nam
Đặt la bàn trên một mặt phẳng ngang và thực hiện xem la bàn theo các bước:
- Bước 1: Điều chỉnh độ lệch từ thiên, tuân theo những hướng dẫn để căn góc một cách chính xác.
- Bước 2: Sử dụng góc phương vị theo thực tế nơi bạn đứng được xác định vị trí trên bản đồ
- Bước 3: Kết hợp góc phương vị cùng bản đồ để xác định vị trí của bạn và kẻ 1 đường thẳng dọc theo cạnh thẳng của chiếc la bàn, điểm giao đường thẳng theo cột mốc dọc con đường bạn đang đi chính là vị trí hiện tại của bạn, từ đó bạn có thể dễ dàng xác định các hướng la bàn cần đi.
Để sử dụng la bàn xác định phương hướng chính xác, bạn cần lưu ý để xa các vật dụng kim loại, không đặt gần lửa để tránh bị ảnh hưởng từ tính làm kim nam châm bị lệch hướng, đặc biệt với những vùng chịu ảnh hưởng bởi từ trường thì cũng không nên sử dụng.
Nếu không mang theo la bàn, bạn có thể tự chế một chiếc la bàn và dùng tạm. Tìm một vũng nước hoặc sử dụng một ít nước trong chai mang theo, để nước tĩnh lặng. Đặt một chiếc lá lên mặt nước, dùng một cây kim chà xát vào quần áo để nó nhiễm từ rồi đặt lên chiếc lá. Từ trường của Trái Đất sẽ khiến cây kim xoay dọc theo hướng Bắc Nam
2. Cách xác định phương hướng bằng Mặt Trời
Bên cạnh la bàn, bạn có thể dựa vào Mặt Trời để xác định phương hướng, đây là cách được những người đi rừng kinh nghiệm sử dụng, đặc biệt là trong những khu rừng nhiệt đới và có nhiều nắng.
Tìm một vị trí thoáng dễ dàng nhìn thấy Mặt Trời, buổi sáng Mặt Trời mọc ở hướng Đông, buổi chiều lặn ở hướng Tây. Nếu bạn đứng thẳng dang hai tay, tay phải chỉ về hướng Đông, tay trái chỉ hướng Tây thì trước mặt là hướng Bắc, sau lưng là hướng Nam.
Một số lưu ý khi quan sát phương hướng bằng Mặt Trời:
- Vào buổi trưa, Mặt Trời sẽ hơi chếch về hướng Nam, do đó từ 9 đến 10 giờ sáng Mặt trời sẽ nằm ở hướng Đông Nam, từ 15 đến 16 giờ sẽ chuyển sang hướng Tây Nam.
- Vị trí mọc lặn của Mặt Trời cũng sẽ không cố định mà thay đổi theo chu kỳ: Xuân Phân, Hạ Chí, Thu Phân, Đông Chí (Mặt Trời chỉ mọc lặn đúng hướng Đông Tây vào mùa Xuân Phân và Thu Phân)
- Những ngày Hạ Chí (mùa Hè): Mặt Trời mọc ở Đông Bắc và lặn ở Tây Bắc. Hướng đông sẽ hơi chệch về bên phải từ hướng bạn nhìn thấy Mặt Trời mọc.
- Những ngày Đông Chí (mùa Đông) thì Mặt Trời mọc ở Đông Nam và lặn ở Tây Nam. Hướng đông sẽ hơi chệch về bên trái từ hướng bạn nhìn thấy Mặt Trời mọc. Giữa trưa, Mặt Trời không đứng bóng mà lại chệch về hướng Nam, lúc đó bóng của bạn sẽ đổ về hướng Bắc.
3. Cách xác định phương hướng khi đi rừng bằng gậy và bóng nắng (Owendoff)
Phương pháp này được sáng chế bởi phi công người Anh – Owendoff. Ông đã thử nghiệm nhiều lần ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, tại nhiều vị trí khác nhau trên Trái Đất và hầu như đều có kết quả chính xác gần tuyệt đối.
Với phương pháp này, bạn cần có một cây gậy dài khoảng 0.6m đến 1.2m, cắm thẳng vuông góc xuống mặt đất khi trời nắng.
- Đỉnh bóng ban đầu của cây gậy ta đặt là T
- Đợi khoảng 15 phút sau, bóng gậy sẽ di chuyển, đỉnh bóng lúc này ta sẽ đặt là Đ
- Nối T với Đ, bạn sẽ có đoạn thẳng TĐ tương ứng đầu T chỉ hướng Tây và đầu Đ chỉ hướng Đông.
- Dựa vào trục Đông Tây của đường thẳng này, bạn sẽ dễ dàng xác định được các hướng còn lại
4. Cách xác định phương hướng khi đi rừng bằng Đồng hồ và Mặt Trời:
Ở vị trí Bắc bán cầu:
Bạn dùng một cây que nhỏ cỡ cây tăm cắm thẳng góc xuống mặt đất khi trời nắng. Cây que sẽ cho ra một cái bóng, tiếp tục đặt đồng hồ sao cho bóng cây que trùng với kim chỉ giờ. Khi đó đường phân giác của góc hợp bởi kim chỉ giờ và số 12 là hướng Nam, đối diện sẽ là hướng Bắc.
Ở vị trí Nam bán cầu:
Thực hiện tương tự như trên, xoay đồng hồ để bóng cây que trùng lên số 12. Đường phân giác của góc hợp bởi số 12 và kim chỉ giờ sẽ chỉ hướng Bắc, hướng đối diện chính là hướng Nam.
5. Cách xác định phương hướng khi đi rừng bằng Mặt Trăng
Vào ban đêm bạn cũng có thể quan sát phương hướng bằng Mặt Trăng, do Mặt Trăng cũng nằm trên đường Hoàng Đới, nên nó cũng sẽ mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây giống Mặt Trời.
Xác định phương hướng khi Trăng khuyết:
- Đối với trăng thượng tuần (từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 10 âm lịch): Trăng sẽ khuyết hai đầu nhọn quay về hướng Đông.
- Đối với trăng trung tuần (từ ngày 20 đến ngày 29 hoặc 30 âm lịch): Trăng bị khuyết hai đầu nhọn quay về hướng Tây.
- Nếu dựng một đường thẳng đi qua hai đầu nhọn của Trăng thì tiếp điểm đó chỉ xuống mặt đất sẽ là hướng Nam.
6. Cách xác định phương hướng khi đi rừng bằng các vì sao
Đây cũng là một trong những cách giúp bạn xác định phương hướng khi đi rừng đi núi khi không có la bàn hay thiết bị định vị GPS. Có nhiều sao và chòm sao để tìm phương hướng, nhưng dễ nhất là những chòm sao sau đây:
Sao Bắc Đẩu:
Sao Bắc Đẩu nằm trên bầu trời gần Bắc cực và không di chuyển nhiều, do đó sẽ giúp xác định phương hướng khá chính xác. Muốn xác định được Sao Bắc Đẩu thì trước hết bạn phải tìm được chòm sao Đại Hùng Tinh.
Chòm sao Đại Hùng Tinh có hình dáng giống như cái muỗng lớn, gồm có 7 ngôi sao, lấy 2 ngôi sao đầu của cái muỗng, kéo dài một đoạn thẳng tưởng tượng gấp 5 lần khoảng cách của 2 ngôi sao đầu, bạn sẽ gặp một ngôi sao sáng lấp lánh, dễ nhận thấy, đó là Sao Bắc Đẩu. Hoặc cũng có thể xác định Sao Bắc Đẩu từ chòm sao Tiểu Hùng Tinh, nhỏ hơn Đại Hùng Tinh và cũng có 7 ngôi sao, ngôi sao chót nằm ở đuôi của Tiểu Hùng Tinh chính là Sao Bắc Đẩu.
Sao Nam Thập (Nam Tào, Thập Tự Phương Nam):
Sao này nằm ở Nam bán cầu và dùng để xác định hướng Nam, gồm năm ngôi sao và bốn sao sáng nhất tạo thành hình cây thập tự. Lấy hai ngôi sao tạo thành chiều dài của cây thập tự, kéo dài một đường thẳng tưởng tượng dài gấp 5 lần chiều dài cây thập tự. Ở điểm cuối cùng của đường thẳng tưởng tượng, vẽ một đường thẳng khác xuống mặt đất và đây sẽ là hướng Nam.
Khi đã xác định hướng Nam một cách tương đối thì bạn nên chọn một cột mốc trên mặt đất để tránh mất phương hướng. Ở Việt Nam, bạn có thể thấy Sao Nam Thập trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.
7. Cách xác định phương hướng khi đi rừng bằng gió
Khí hậu Việt Nam có hai loại gió chính là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Gió mùa Đông Bắc hoạt động từ tháng 10 đến tháng 4, thổi theo hướng từ Đông Bắc đến Tây Nam. Còn gió mùa Tây Nam hoạt động từ tháng 5 đến tháng 10 năm sau, thổi từ Tây Nam đến Đông Bắc.
Cách xác định hướng gió thổi:
- Quan sát hướng nghiêng của ngọn cây, ngọn cỏ khi có gió thổi đến
- Nắm một ít cát bụi hay giấy trên tay, để lên cao và thả tự do khi có gió, quan sát hướng bay để đoán hướng gió
- Ngậm một ngón tay sạch trong miệng khoảng 10s, lấy ra đưa lên trên cao, ngón tay lạnh ở phía nào thì tức là có gió thổi đến từ hướng đó.
8. Một số mẹo khác giúp bạn xác định phương hướng khi đi rừng, đi núi
Quan sát các loài cây cối, thực vật:
- Các cây cao trong khu rừng rậm rạp thường hướng về phía Mặt Trời mọc để đón lấy ánh sáng
- Măng tre, cây chuối con thường mọc cây to ở hướng Đông, các hướng khác thì nhỏ hơn
- Nếu gặp thân cây cưa ngang, nhìn vào các vòng tuổi trên mặt cắt. Nửa thân cây có vân thưa và nhạt hơn sẽ hướng về phía Nam, vân dày và đậm màu sẽ hướng về phía Bắc.
- Ở vùng nhiệt đới, xích đạo thì rêu, địa y sẽ mọc ở trên thân cây ở phía Tây nhiều hơn. Còn ở vùng ôn đới thì sẽ mọc nhiều ở hướng Bắc.
- Ở một cánh rừng rậm rạp: khu vực tương đối khô, ít cây, cây mọc thấp thường hướng về phía Nam. Khu vực ẩm ướt, có rêu, nhiều cây non và cây lớn mọc cao, tươi tốt thì quay về hướng Bắc.
- Trên một gốc cây thân lớn, cổ thụ: nửa gốc cây hướng về phía Bắc thì đất ẩm, xốp, nhiều rêu, nửa gốc hướng về phía Nam thì đất kém xốp, không có cây nhỏ xung quanh.
- Trên cây Đào hay cây Tùng: chỗ thân cây bị chảy nhựa sẽ quay về hướng Nam
Quan sát các loài động vật:
- Tổ kiến: chúng thường làm tổ có cửa hướng về phía Nam, phần che đắp bằng nhiều lá cây sẽ hướng về phía Bắc.
- Chim, Ong: tổ của hai loài này thường làm ở hướng Đông Nam
Các dấu hiệu phương hướng khác:
- Dòng suối: thường chảy từ nơi cao xuống nơi thấp, từ vùng núi xuống đồng bằng nên bạn có thể đi men theo dòng chảy để thoát ra khỏi rừng và đến khu vực có người sinh sống
- Di tích, miếu, tháp cổ: các miếu cổ thường được xây dựng quay lưng về phía Bắc, hướng mặt về phía Nam. Phía Bắc khuất ánh sáng Mặt Trời nên ẩm thấp, nhiều rêu và cây nhỏ. Phía Nam có ánh sáng Mặt Trời chiếu vào nên khô ráo, ít rêu
- Làng bản: Các dân tộc ít người thường sống tập trung ở các sườn núi phía Nam
Trên đây là tổng hợp những cách xác định phương hướng khi đi rừng, đi núi, mong rằng sẽ hữu ích cho các chuyến thám hiểm, trekking, dã ngoại của bạn.
Các bạn có thể xem video những chuyến khám phá của Tiêu Dao Tử tại kênh Youtube đi cùng Tiêu Dao Tử nhé
Ảnh: Internet