Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng và Đăk Lăk nói chung. Đây là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật giáo ở thời kỳ Chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở Tây Nguyên, cũng là ngôi chùa cuối cùng được phong Sắc tứ ở Việt Nam. Cùng ghé thăm để cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính và uy nghiêm của ngôi chùa đặc biệt này nhé!
CHÙA SẮC TỨ KHẢI ĐOAN Ở ĐÂU?
Chùa Khải Đoan, tên chữ là “Sắc tứ Khải Đoan tự” nằm ở phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đây là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất thành phố và là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Tây Nguyên. Ngoài ra, nơi đây còn được gọi là chùa Lớn hay Tỉnh Hội.
Tam quan mang tính nghi lễ của chùa quay ra đường Quang Trung, nhưng lối đi chính thường xuyên lại ở phía sau chùa nằm trên đường Phan Bội Châu. Chùa hướng mặt Tây Nam, nhìn xuống suối Đốc Học, lưng dựa vào khu phố; đây là thế “tiền thủy hậu sơn” theo quan niệm phong thủy truyền thống của kiến trúc cổ Việt Nam. Chùa mang lối kiến trúc nhà rường Huế hài hòa với phong cách nhà sàn Tây Nguyên, xen lẫn nét hiện đại là ấn tượng của du khách khi đến đây.
ĐÔI NÉT VỀ NGÔI CHÙA SẮC TỨ KHẢI ĐOAN
Chùa tọa lạc trên một diện tích rộng khoảng 4 ha, hài hòa cùng cảnh quan thiên nhiên và cây xanh. Trong đó có nhiều hạng mục như tam quan, chính điện, nhà giảng kinh, nhà Tổ… Công trình được Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Hoàng Thị Cúc (chính phi của vua Khải Định, thân mẫu vua Bảo Đại) cho khởi dựng năm 1951 trên khu đất do bà hiến cúng. Cũng chính Đoan Huy Hoàng Thái Hậu hỷ cúng phần lớn kinh phí xây dựng chùa, thêm vào đó là sự đóng góp các Phật tử và bá tánh thập phương.
Năm 1953, nhân ngày lễ an vị lạc thành nhà Hậu Tổ, chùa được sắc phong là “Sắc tứ Khải Đoan” – đời vua Bảo Đại. “Khải Đoan” là 2 chữ đầu của vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, mang ý nghĩa ghi nhận công đức người sáng lập ngôi chùa.
Ở thời điểm đó (năm 1953), mặc dù triều Nguyễn đã kết thúc, nhưng Bảo Đại vẫn là Quốc trưởng của Quốc gia Việt Nam (miền Nam) và với định chế Hoàng triều Cương thổ ở Cao nguyên Trung Phần (Tây Nguyên) thì Bảo Đại vẫn là Hoàng đế của vùng đất này. Và đây là Sắc tứ cuối cùng của một vị vua Việt Nam ban cho một ngôi chùa Phật giáo.
LỐI KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO CỦA CHÙA
Chính điện là công trình lớn nhất và là điểm nhấn kiến trúc của chùa Khải Đoan, có diện tích xây dựng 320m2. Công trình có hai tầng, tầng dưới được xây bằng vật liệu gạch, đá – là nơi học tập, sinh hoạt của sư tăng; tầng trên bằng gỗ là nơi thờ. Về tổng thế, công trình có dáng dấp của nhà dài Ê Đê ở Tây Nguyên với bộ mái 2 tầng, nhưng cấu trúc lại theo kiểu nhà rường của Huế. Chính giữa phía trước chính điện có một sảnh được xây bằng đá với cầu thang 2 bên.
Điện thờ Phật có 5 gian, được bài trí tôn nghiêm. Ở giữa tôn trí tượng đức Phật A Di Đà và đức Phật Thích Ca, hai phía là tượng bốn vị Bồ Tát: Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù và Phổ Hiền. Các pho tượng đều được đúc bằng đồng, đặt trên bệ thờ bằng gỗ quý.
Hai bên tả – hữu chính điện có lầu trống và lầu chuông. Bên hữu (phải) là lầu chuông có treo quả đại hồng chung (chuông đồng). Chuông có kích thước: cao 1,15 mét, chu vi đáy 2,7 mét, nặng 380 kg do các nghệ nhân phường đúc đồng ở phía Tây Kinh thành Huế hoàn thành vào tháng 1/1954. Đây là bảo vật hiến cúng của Hoàng tử Bảo Long và Bảo Thăng (con vua Bảo Đại).
Cũng ở bên hữu chính điện có tòa nhà “Tàng kinh các”. Đây là một công trình 2 tầng hoàn toàn bằng gỗ với hai tầng mái rất đẹp. Tầng 1 công trình để trống, là nơi nghỉ ngơi, thư giãn…
Phía sau chính điện là nhà Hậu Tổ. Công trình cũng có cấu trúc giống chính điện với tầng 1 được xây bằng gạch, đá; tầng 2 bằng gỗ và phía trước có một sảnh; nhưng với kiến trúc và trang trí đơn giản hơn.
Trong khuôn viên chùa còn có một số hạng mục khác như cây Bồ Đề là tặng vật lưu niệm của Đại đức Narada tặng chùa Khải Đoan năm 1962, dưới cây có tượng Phật Thích Ca tọa thiền hay Công Đức Tạng là nơi tưởng niệm công đức tiền bối qua các thời kỳ, từ sơ khởi xây dựng cho đến đời thứ 6 trụ trì.
Các bộ phận kiến trúc công trình trong chùa Khải Đoan đều được xây dựng, trang trí công phu, tỉ mỉ, giàu tính dân tộc, có giá trị thẩm mỹ cao.
CHÙA SẮC TỨ KHẢI ĐOAN – VẺ ĐẸP CỔ KÍNH GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan mang đậm lối kiến trúc cung đình Huế, kết hợp với đó kiểu dáng thiết kế nhà sàn của Tây Nguyên và nhà dài của người Ê Đê. Các gian của chùa được xây nối tiếp nhau trông vô cùng uy nghi và đồ sộ. Chùa Sắc Tứ Khải Đoan được xây dựng không quá cao, các gian chùa rộng lớn tạo nên thế vững trãi giữa đất trời.
Chất liệu để xây dựng nên Chùa Sắc Tứ Khải Đoan chủ yếu là gỗ. Tông màu nâu trầm của gỗ khiến cho ngôi chùa càng thêm phần trầm mặc và cổ kính hơn. Từng đường nét điêu khắc trên các bức tường, cột chùa đều trông vô cùng tinh xảo và kỳ công. Trên mảnh đất cao nguyên miền Trung, ngôi chùa Sắc Tứ Khải Đoan uy nghiêm và cổ kính khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ mỗi khi có dịp ghé thăm.
Cho đến ngày nay, Chùa Sắc Tứ Khải Đoan trở thành một trong những ngôi chùa lớn và lâu đời bậc nhất tại Buôn Ma Thuột. Ngôi chùa này đã sống cùng thời gian hơn một nửa thế kỷ, chứng kiến biết bao sự thăng trầm đổi thay. Vẻ đẹp của Chùa Sắc Tứ Khải Đoan chính là sự kết hợp giữa vẻ đẹp kiến trúc, thiên nhiên giao hòa, quan trọng hơn cả là nét đẹp khắc cốt lịch sử ngàn đời không gì có thể thay thế.
Chính bởi vẻ đẹp đặc biệt đó của chùa đã thu hút rất nhiều bạn trẻ đến đây để check-in, tham quan và cảm nhận vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa. Với vô vàn những góc sống ảo hết sức lung linh, đảm bảo bất cứ ai khi đến đây cũng đều ngạc nhiên và ngưỡng mộ.
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĐẾN THAM QUAN CHÙA SẮC TỨ KHẢI ĐOAN
- Giờ mở cửa chùa sắc tứ Khải Đoan: Từ 08h00 – 18h00
- Khi vào bên trong chùa, du khách bắt buộc phải bỏ giày, đi chân đất để thực hiện tế lễ cúng bái.
- Đi đứng nhẹ nhàng, không gây ồn ào mất trật tự khi tới chốn linh thiêng. Không chạm tay vào tượng Phật, không đụng chạm các đồ vật trong chùa.
- Khi check in chỉ nên chọn khu vực bên ngoài chùa, không gian xung quanh chùa. Không nên vào nơi lễ bái, chốn thờ cúng đông người để “sống ảo”.
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan được coi là cái nôi, là trung tâm lớn của Phật giáo của Đắk Lắk và Tây Nguyên. Với lịch sử đặc biệt và kiến trúc độc đáo, đây là một thắng cảnh, một địa chỉ không thể bỏ qua đối với Phật tử và du khách mỗi khi có dịp du lịch Đăk Lăk.
Các bạn truy cập Facebook và YouTube để tìm hiểu thêm nhiều chuyến khám phá đầy thú vị trên mọi miền đất nước cùng Tiêu Dao Tử nhé!