Hang C7 Chư Bluk là một hang động nổi tiếng trong quần thể các hang động núi lửa của Công viên địa chất Đắk Nông. Ẩn chứa những điều thú vị và kì bí sâu bên trong những hang sâu hun hút, đây là nơi đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà nghiên cứu và các bạn trẻ đam mê khám phá mạo hiểm.
“Núi lửa Chư Bluk còn có tên gọi khác là núi lửa Chư R’luh, núi lửa Nâm Blang. Là ngọn núi lửa tuyệt đẹp của Tây Nguyên, núi lửa Chư Bluk có dạng hình thang cân và có thể ngắm nhìn ở nhiều hướng với nhiều khoảng cách khác nhau. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, núi lửa này đã hoạt động phun trào dung nham cách đây khoảng 0,689 đến 0,199 triệu năm trước với kiểu phun trào trung tâm (phun nổ).”
Truyền thuyết độc đáo về nguồn gốc tên gọi Núi lửa Chư Bluk
Núi lửa Chư Bluk nằm tại xã Buôn Choah thuộc Hệ thống núi lửa Krông Nô, Đắk Nông. Gắn với cái tên Chư Bluk cũng có nhiều câu chuyện hấp dẫn.
Theo các cư dân sống lâu đời ở đây, ngày xưa người Ê Đê có tập quán sống trong các hang sâu, tối tăm, ẩm ướt. Một ngày nọ, có một người đàn ông vì phạm tội nên bị mọi người trục xuất ra khỏi hang. Do bị trừng phạt phải sống ngoài trời, người này mỗi ngày phải đi săn bắt, hái lượm để kiếm cái ăn, dần dần tự biết canh tác, trồng trọt nên của cải dư dả.
Ngược lại do nguồn thức ăn dần dần bị cạn kiệt, những người ở trong hang trở nên đói khát, cơ cực, thế nên họ quyết định đi theo người đàn ông kia, lên mặt đất kiếm ăn, lập làng lập xóm để cuộc sống sung túc hơn. Để nhờ đến nguồn gốc và nhắc nhớ con cháu lưu giữ lịch sử, họ đã đặt tên cho những hang động này là Chư Bluk, Chư là núi, Bluk là cội nguồn.
Hang động Chư Bluk còn được người dân nơi đây gọi là Hang Dơi với sự ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí. Người dân tộc bản địa ở đây luôn tin rằng Hang Dơi chính cho một hang động thiên tạo, trước khi con người và các loài Dơi trú ngụ thì đây chính là hang thần, nơi ẩn mình của các vị thần phù hộ cho dân làng và cũng là nơi những nàng tiên xuống tắm. Do đó ngày nay ở đầu nguồn thác Gia Long vẫn còn một bãi tắm có tên gọi là Bãi tắm tiên.
Thông tin cơ bản về Hang C7 Chư Bluk – Hang núi lửa Krông Nô
Hang C7 Chư Bluk thuộc Công viên địa chất Đắk Nông (nằm tại xã Nam Đà, huyện Krông Nô) được các chuyên gia của Hiệp hội hang động núi lửa Nhật Bản đánh giá là hang động núi lửa rất quý hiếm, có giá trị cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch.
Vị trí: cách núi lửa Chư Bluk khoảng 5.030m theo đường chim bay
Độ cao: 428m so với mặt nước biển
Tọa độ địa lý cửa hang C7 Chư Bluk:
X: 12°30’28.80″ vĩ độ bắc
Y: 107°54’41.58″ kinh độ đông
Chiều dài hang: 1.067 m – Hang động dung nham núi lửa dài nhất Đông Nam Á
Đường kính cửa hang: 20m
Chiều cao cửa vào hang: 16m
Chiều cao các vách dựng đứng trong hang: 1,5m – 10m
Hành trình khám phá Hang C7 Chư Bluk cực kỳ gian nan và hấp dẫn
Review chi tiết nhất hành trình tìm đến và khám phá vẻ đẹp kì bí của hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á của mình đây.
Di chuyển từ xã Buôn Choah đến xã Nam Đà dưới thời tiết lạnh buốt
Sau bữa sáng và nạp năng lượng với ly cafe Đắk Nông thơm ngon đậm đà, khoảng 8h đoàn mình bắt đầu xuất phát tìm đến Hang C7 Chư Bluk.
Thời tiết những ngày cuối năm ở xứ núi Đắk Nông thực sự chiều lòng người, mát lạnh và thoáng đãng rất dễ chịu. Theo chia sẻ của anh dẫn đoàn thì thời tiết đó cực kỳ lý tưởng cho chuyến khám phá hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á này.
Sau khoảng 30 phút ngồi trên xe với các đoạn đường lộ nhựa bằng phẳng xen lẫn những đoạn đất gồ ghề, team mình đã đến điểm bắt đầu trekking vào hang.
Băng qua đoạn đường có vườn điều rực đỏ và cánh đồng lúa xanh ngát
Cung đường trekking tìm đến hang C7 sẽ đi theo lộ trình như sau:
Đi qua đoạn đường đất đỏ với các con dốc lên xuống không cao lắm, đường đi ngoài những khối đá bazan, đá núi lửa nằm rơi rớt khắp nơi thì là những độn đất lên xuống, đoạn đường này dài khoảng 300m. Điểm cộng là đi qua vườn điều đỏ đẹp như tranh, điểm trừ là đường đất hơi cứng, đi hơi bị tê chân.
Đoạn băng qua những cánh đồng lúa đẹp mê hồn không thua gì những vựa lúa của miền Tây quê mình. Đoạn này thì ngắn thôi, cũng dài khoảng 200 – 300m với lối đi là những bờ đê đất đi xuyên qua những đồng lúa. Đoạn này trâu nhiều lắm, đi mà chúng cứ liếc nhìn trìu mến, hên là không mặc áo đỏ.
Đoạn đường lối mòn nhỏ với các cây cỏ hoa dại đẹp kiểu mơ màng như trong phim, đi qua những cung đường kiểu này thì quả thực không có cảm giác mệt mỏi gì luôn. Cái gì đẹp thì sẽ thường qua nhanh, cung đường này cũng vậy, đi vèo qua cái là hết vì nó chỉ tầm khoảng 100m thôi nhé.
Vượt cánh rừng đá núi lửa đẹp như tranh đến với cửa hang C7 Chư Bluk
Tiếp tục đi ven Khu bảo tồn thiên nhiên để đến với Rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sap nơi có vị trí của hang c7 Chư Bluk. Không gian trong rừng thì mát mẻ và dễ chịu, không khí trong lành xen lẫn tiếng xào xạc của những tán cây vi vu nghiêng mình theo những làn gió núi. Thỉnh thoảng lại giơ máy lên chụp những hàng cây rừng xanh rì lấp lánh dưới ánh nắng vàng chói.
Đối lập với những tán cây cao xanh rì phía trên đầu chính là những khối đá bazan dung nham núi lửa sắc bén chông chênh dưới chân. Tự khắc nhủ lòng phải đi thật sự cẩn thận, nhấc chân cho cao, tay bám vào cây cho chắc, mắt quan sát cho kỹ bởi chỉ cần vô ý chút thôi là sẽ có ngay những vết cắt ngọt xớt trên tấm thân ngọc ngà.
Cuối cùng sau khoàng 15 phút đi dạo trong cánh rừng núi lửa Đắk Nông, team mình đã chạm chân đến Hang C7 hoang sơ kì bí vang danh thiên hạ.
Training kỹ thuật sử dụng dây an toàn để xuống hang C7 Chư Bluk
“Mọi người tìm một điểm đứng thật chắc, không nên đứng quá gần cửa hang” đó là lời nhắc của anh dẫn đoàn khi mình vừa đến với Hang C7 Chư Bluk. Bởi với chiều cao 16m, chỉ cần rớt xuống thì việc chấn thương chắc chắn sẽ có.
Đứng quan sát một vòng cửa hang, hang này có vòng cung tương tự như miệng núi lửa, có những góc bị che khuất bởi những tán cây dại, cây bụi cao. Do đó nếu như ai không hiểu rõ địa hình khu vực này, đi lạc vào đây thì rất dễ té xuống miệng hang cực kỳ nguy hiểm. Chấn thương cộng với không thể thoát ra ngoài hang do khu vực này hoàn toàn vắng vẻ chính là điều lo sợ đầu tiên mà mình cảm nhận về độ mạo hiểm trước khi xuống hang.
Phương án di chuyển xuống hang của đoàn là du dây chuyên dụng xuống, trước đó mỗi thành viên đều được training kỹ càng cách thắt dây, cách gắn các thiết bị cùng cách phối hợp các động tác tay chân, điều khiển cơ thể để đảm bảo an toàn.
Đu dây mạo hiểm xuống hang C7 Chư Bluk
Từ trên cao nhìn xuống, những lớp dương xỉ, môn rừng xanh rì tuyệt đẹp dưới đáy hang cùng với một góc tối hun hút tạo cho mình có cảm giác kích thích vô cùng, dù hơi lo lắng nhưng vấn muốn xuống hang cho bằng được.
Sau khi đảm bảo tất cả các thành viên đã nắm vững tâm lý và cách sử dụng dây xuống hang, anh dẫn đoàn đã bắt đầu tiến hành thắt dây an toàn vào một thân cây chắc chắn ở miệng hang, một đầu dây được thả xuống phía dưới. Lần lượt từng thành viên đu dây xuống hang.
Sợi dây nhỏ với sức kéo lên đến 2 tấn được nối với các thiết bị bảo hộ, dây đai gắn vào người và quan trọng nhất là một ròng rọc, vật mà phải dùng lực tay để bóp vào thì dây bảo hộ mới chạy và đưa cơ thể xuống đáy hang an toàn.
Đoạn đầu đu dây xuống thì có vẻ hơi lo, nhưng khi thuần thục động tác và từ từ di chuyển xuống thì cảm giác lơ lửng, đong đưa giữa không gian cực kì thú vị. Xuống được dưới hang thì vỡ òa cảm xúc vì thực sự quá tuyệt.
Khám phá mọi ngóc ngách kì bí trong hang C7 Chư Bluk
Sau khoảng 30 phút thì 7 thành viên đã lần lượt an toàn xuống được dưới hang. Một thảm thực vật nhiệt đới tươi tốt mọc trên nền đá bazan bọt, cảm giác như lọt thỏm vô rừng rậm nhiệt đới Amazon.
Tiến sâu vào bên trong hang như là một thế giới khác, một thế giới trong lòng đất với không gian lạnh ẩm, bao trùm là bóng tối khắp mọi nơi. Một đoạn hang nằm ở phía tây có vòm rất cao đến 15m, bề rộng gần 20m. Từng dòng chảy dung nham theo nhiều hướng in hằn thành những hoa văn ngoằn ngoèo ở khắp thành hang.
Rẽ vào khám phá một hang sâu phía trong, càng đi vào sâu thì trần đá phía trên càng thấp, mọi người đều phải khum thấp người mới có thể đi vào được. Nền dưới chân lúc này là lớp sình ẩm ướt bám dính vào giày, vừa quan sát trần phía trên tránh đụng đầu, vừa quan sát lối đi dưới chân để không bị trợt té.
Tiếp tục rẽ theo một hướng khác đối diện với hướng vừa rồi sẽ thấy các khối đá núi lửa lớn nhỏ nằm rải rác trên lớp nền dòng chảy dung nham cứng chắc. Các khối đá có màu sắc xám, đỏ cùng nhiều hình thù khác nhau rất ấn tượng.
Với điều kiện sinh sống thiếu ánh sáng nên các loài động vật trong hang khá hiếm, chỉ phát hiện được một chú ốc sên có đuôi nhỏ nhắn xinh xắn đang bò trên nền đá dung nham núi lửa, vài con bọ đỏ đẹp mắt và không phát hiện cá thể dơi nào, có thể các loài động vật ẩn nấp kỹ ở những ngõ ngách mình không quan sát được.
Một giếng trời lớn ở giữa hang C7 Chư Bluk giúp cho ánh nắng Mặt Trời chiếu vào trong hang, ánh sáng này cùng với luồng không khí bên ngoài tràn vào giúp cho không gian trong được thoáng, bớt ngộp và bị tù túng hơn.
Đu dây leo ngược trở lên miệng hang C7 Chư Bluk
Hoàn thành khám phá những điều kỳ thú của hang động núi lửa C7, mình tiếp tục đối mặt với một thử thách gian nan mới, đó là phải đu dây để leo ngược trở lên miệng hang. Đoạn leo lên cũng nguy hiểm không kém gì đoạn leo xuống. Thoáng chút căng thẳng, quan sát thật kỹ hướng dẫn của anh dẫn đoàn để không bị sai sót gì khi leo lên.
Để lên đường thì phải dùng sức rất nhiều ở tay và chân để kèo toàn bộ cơ thể mình theo hướng đi lên. Thấy đơn giản nhưng khi làm mới thấy gian nan cực kỳ, việc treo cơ thể lơ lửng trên dây dễ khiến mình bị mất thế. Rất khó để đứng thẳng mà người lúc nào cũng bị gập cong lại. Tự tin là mình rất khỏe nhưng cũng phải mất hơn 10 phút mới leo lên được đến cửa hang.
Kết thúc chuyến trekking Đắk Nông khám phá hang núi lửa Chư Bluk
Xuất phát từ 8h sáng nhưng đến gần 5h chiều team mình mới hoàn thành chuyến trekking khám phá Hang C7 Chư Bluk. Gần như là một ngày dài với kết quả vô cùng mỹ mãn sung sướng. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, một chuyến đi với rất nhiều trải nghiệm mới mẻ.
Quy mô, cấu tạo, sự đa dạng địa chất của Hang C7 quả thực đặc biệt hơn rất nhiều các hang động khác trong quần thể hang động núi lửa Đắk Nông. Từ hình dáng cửa hang, chiều dài, chiều rộng, sự phân tầng các nhánh trong lòng hang, các dấu tích dòng chảy dung nham, thảm thực vật đều đặc sắc và đẹp đến nao lòng.
Hang C7 hiện chưa được đưa vào khai thác thành khu du lịch sinh thái Đắk Nông hay nằm trong một Tour núi lửa Chư Bluk nào hết nên mọi giá trị về địa chất hầu như vẫn còn trọn vẹn. Nhờ đó việc mình được đến đây để khám phá trở thành một trải nghiệm hết sức tuyệt vời.