Rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên ở đâu? Vẻ đẹp của rừng Nam Tây Nguyên có gì đáng để khám phá? đây là những thắc mắc mà hầu hết mọi người sẽ đặt ra khi nghe đến tên của khu rừng này bởi đây là một nơi mà rất ít người biết đến và không thể tìm được thông tin trên các phương tiện tìm kiếm. Cùng xem bài viết bên dưới để hiểu rõ hơn về khu rừng đặc biệt này nhé!
RỪNG NGUYÊN SINH NAM TÂY NGUYÊN LÀ GÌ?
Trước tiên cần tìm hiểu để biết rừng nguyên sinh là gì và có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình cân bằng hệ sinh thái nhé!
Các bạn có thể hiểu đơn giản rừng nguyên sinh là rừng trong quá trình phát sinh chưa bị tác động của con người. Rừng bị biến đổi chịu tác động từ con người được gọi là rừng thứ sinh, đã trải qua những đợt đốn chặt, phá rừng, cháy rừng, dù đã phục hưng phần nào trên giai đoạn của diễn thế sinh thái phục hồi non trẻ. Một số loài động và thực vật chỉ thích hợp với môi trường sống đặc biệt của rừng nguyên sinh. Rừng Nam Tây Nguyên là một trong số đó.
Chính vì vậy, rừng nguyên sinh chứa đựng các hệ sinh thái căn bản cốt lõi lâu dài của hệ thực vật trên cạn, nó góp phần bảo tồn và duy trì cân bằng sinh thái lâu năm, giữ nước, điều hòa khí hậu, làm sạch không khí. Rừng nguyên sinh chứa các hệ sinh thái tổng hợp bao gồm nhiều mạng lưới chuỗi thức ăn và tác động tương tác của nhiều loài hoang dã. Rừng nguyên sinh có ý nghĩa quan trọng phục vụ nghiên cứu bảo tồn sinh học và hệ sinh thái.
Tuy nhiên hiện nay, các khu vực rừng nguyên sinh ngày càng hiếm và đứng trên bờ vực bị tàn phá hoàn toàn trên thế giới. Chúng ngày càng bị phân tán và cô lập ở nhiều nơi trước các tác động từ hoạt động kinh tế của con người. Hầu hết các khu rừng nguyên sinh được đóng của và bảo vệ nghiêm ngặt khi chỉ còn diện tích từ 20-300 ha.
May mắn được biết đến và tham quan khu rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên, chúng tôi mới có thể chứng kiến vẻ đẹp thực sự của một khu rừng chưa chịu qua bất cứ tác động nào của con người, nguyên bản và tuyệt đẹp. Cùng tiếp tục khám phá rừng Nam Tây Nguyên có gì nha?
KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP CỦA RỪNG NGUYÊN SINH NAM TÂY NGUYÊN TỪ KHU ĐÁ ĐỔ CỰC ĐẶC BIỆT
Trước tiên, cần tìm hiểu rừng Nam Tây Nguyên ở đâu? Rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên tọa lạc tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông, có vị trí giáp với vườn quốc gia Bù Gia Mập của tỉnh Bình Phước. Khu rừng hiện đang được quản lý bởi công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.
Sẽ không ngoa khi nói đây là một trong những khu rừng nguyên sinh đẹp nhất nước ta. Nơi đây hiện còn lưu giữ và bảo tồn nhiều loài động thực vật quý hiếm, nhiều loài cây lớn có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tuổi.
Bên cạnh đó, những tảng đá bazan cực lớn với những hình thù đặc sắc đã vẽ nên cho khu rừng nguyên sinh NAM TÂY NGUYÊN những bức tranh cực ấn tượng và hút mắt người xem.
Đến nơi này, chúng tôi được các anh kiểm lâm tận tình dẫn dắt đến tham quan những điểm đặc biệt trong khu rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên. Thật sự nếu không có sự hỗ trợ từ các anh thì khó lòng có thể di chuyển vào rừng tham quan và tìm được đường ra nhanh chóng. Bởi nơi này hoàn toàn chưa có sẵn lối mòn, chính vì vậy việc di chuyển và định hướng trong rừng vô cùng khó khăn.
Trong rừng Nam Tây Nguyên có những nơi các khối đá bazan hình trụ to lớn xếp khít với nhau, tạo ra một vách đá thẳng đứng rất đặc biệt, những nơi như vậy được gọi là khu đá đổ. Những khối đá được phủ đầy rêu xanh, bề mặt trơn nhẵng bóng và thẳng tắp như được ai đó gọt dũa và sắp xếp lại.
Điều đặc biệt là trong rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên này có rất nhiều khu đá đổ như vậy. Không biết những khối đá được tạo hóa xếp ở đó từ bao giờ, chắc cũng đủ lâu đến mức những cây đa to lớn hàng trăm năm tuổi với bộ rễ dài bám sâu và ôm trọn cả vách đá, nhờ vậy đã tạo nên vẻ đẹp của rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên với một màu kì bí và hoang sơ.
Để đến tham quan những khu đá đổ này ở rừng Nam Tây Nguyên, chúng tôi phải di chuyển vài km đường rừng, ngoài bìa rừng đường đi khá bằng phẳng, mặt đất được phủ đầy những lớp lá khô, nếu di chuyển vào mùa mưa phải hết sức cẩn thận để tránh trơn trượt và sự tấn công của những con vắt. Việc trang bị một đôi giày chuyên đi rừng có độ bám tốt và các loại thuốc chống vắt là điều cần thiết giúp cho chuyến đi trong rừng được an toàn và thuận lợi.
Vào sâu trong rừng hơn chút, những đoạn đường bằng phẳng được thay bằng những khối đá bazan lớn nhỏ đủ cỡ, đường đi cũng cheo leo hơn, bắt đầu có các dốc lên dốc xuống rất khó đi. Lúc này, mỗi bước chân đều phải thật chắc chắn, lựa chọn những tảng đá vững nhất mới dám bước lên đi qua, nếu không kĩ có thể bước lên những hòn đá gập ghềnh rất nguy hiểm.
Hơn nữa, đá ở đây đều được phủ đầy rong rêu, chính vì vậy rất dễ trơn trượt, tuy nhiên cảm giác trải nghiệm qua những cung đường khó khăn để được nhìn ngắm vẻ đẹp của rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên khiến ai nấy cũng đều phấn khích. Sau gần nửa buổi đi tìm những điểm đá đổ đặc biệt đó, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến một địa điểm khác nữa cũng thuộc rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên, đó chính là tham quan “Cây di sản”.
CHIÊM NGƯỠNG QUẦN THỂ CÂY DI SẢN VÀ KHÁM PHÁ DÒNG SUỐI NHỎ MÁT LẠNH Ở RỪNG NAM TÂY NGUYÊN
Quần thể cây di sản Nam Tây Nguyên ở đâu? Đường đến quần thể cây di sản cách các khu đá đổ chỉ vài km, ra khỏi bìa rừng, chúng tôi di chuyển bằng xe máy trên đường quốc lộ 14C thêm khoảng 3km. Có một con đường tương đối rộng rãi có thể di chuyển bằng xe máy xuống được láng của các anh kiểm lâm. Tuy nhiên con đường này rất dốc, không bằng phẳng và có nhiều đoạn cua gắt, hơn nữa ít người đi lại nên bề mặt đường có rất nhiều đá gập ghềnh nguy hiểm. Do đó, chúng tôi quyết định đi bộ xuống láng cách đó khoảng hơn 2km.
Trên đường tìm đến những cây di sản có thể nhìn ngắm bao quát quan cảnh xung quanh, đặc trưng của rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên là những cây bằng lăng cao lớn và thẳng tắp, với hoa nở trắng cả khu rừng tuyệt đẹp. Ngoài bằng lăng, nơi đây còn lưu giữ được rất nhiều cây gỗ quý hiếm khác có tuổi đời hàng trăm năm tuổi.
Mất khoảng hơn 30 phút để đến được láng, nghỉ ngơi lấy lại sức sau đó cả đoàn tiếp tục đi bộ vào trong rừng, nơi có hàng chục cây di sản được lưu giữ và bảo vệ. Đoạn đường di chuyển cũng tương đối dễ dàng, có vài đoạn dốc nhỏ nhưng cũng không khiến cho niềm phấn khích trong chúng tôi giảm xuống.
Đi một đoạn đã đến khu bảo tồn quần thể cây di sản lớn ở rừng Nam Tây Nguyên, anh kiểm lâm dẫn đường cho chúng tôi và giới thiệu nhiệt tình tất cả những gì anh biết về những loại cây to lớn và đại thụ nơi đây, có cây lớn đến mức phải 6-7 người trưởng thành ôm mới hết.
Tìm hiểu về những loài cây đại thụ mà hiếm có khu rừng nào còn lưu giữ được, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến một dòng suối nhỏ để tổ chức nướng và picnic cạnh bờ suối. Cảm giác ngồi cạnh dòng suối mát lạnh thưởng thức các món nướng thì vô cùng tuyệt vời.
Con suối này chưa có tên và nằm ẩn sâu trong rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên, chính vì vậy các anh kiểm lâm nơi đây chỉ gọi là suối nhỏ. Dòng suối rất cạn nhưng nước lại trong veo và có một số loài cá nhỏ có thể sinh sống được.
Vì nước không sâu nên có thể an tâm bước lên những hòn sỏi để di chuyển từ đầu đến cuối dòng suối tham quan và nhìn ngắm khung cảnh cực hoang sơ của rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên. Sau đó, chúng tôi kết thúc 1 ngày tham quan khu rừng này bằng một trận mưa lớn, trải nghiệm này thật sự rất mới mẻ và thú vị.
BẠN ĐÃ BAO GIỜ ĐI BỘ TRONG RỪNG LÚC MƯA?
Vâng, chúng tôi đã trải nghiệm cảm giác đi bộ trong rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên lúc trời đang mưa lớn. Tất nhiên mỗi người đều có trang bị áo mưa để tránh bị cảm, quần áo không ướt cũng sẽ thuận tiện hơn cho việc di chuyển trong đường rừng.
Sau khi tham quan suối nhỏ, mây đen bắt đầu kéo đến, rất nhanh mưa cũng tới, ở trong rừng là vậy, cứ thấy mây là ngay lập tức cũng có mưa. Cả đoàn tranh thủ mặc áo mưa rồi di chuyển trở lại láng cách đó cũng hẳn 3-4km. Mưa xối xả, nước mưa mát lạnh cuốn luôn cả những đợt mồ hôi. Đi trekking đường rừng chưa bao giờ lại mát mẻ như lúc này.
Trời mưa lại càng khiến cho sự hoang sơ của RỪNG NAM TÂY NGUYÊN tăng lên gấp nhiều lần, nhưng nó lại thật đẹp, một vẻ đẹp thuần thiên nhiên và không phải khu rừng nào cũng còn được lưu giữ. Dầm mưa nhưng tâm trạng của những người yêu thiên nhiên như chúng tôi lại phấn khởi hơn bao giờ hết, vừa đi vừa hát hò khiến cho bao nhiêu cái mệt cũng đều biến mất.
Hoàn tất một ngày khám phá khu rừng này với thật nhiều cảm xúc, mong rằng vẻ đẹp nguyên sinh của rừng luôn được gìn giữ và bảo tồn. Đây chỉ mới là một phần nhỏ trong hành trình tham quan khám phá rừng nguyên sinh Nam Tây Nguyên trong 4 ngày của chúng tôi, cùng xem tiếp những địa điểm tiếp theo sẽ có gì hấp dẫn nhé!
Các bạn truy cập Facebook và YouTube để tìm hiểu thêm nhiều chuyến đi đầy thú vị trên mọi miền đất nước cùng Tiêu Dao Tử nhé!