Từ lâu, nét đẹp văn hóa Quảng Khê nói riêng, Đắk Nông nói chung đã là điều ấn tượng trong lòng du khách. Nét đẹp văn hóa ở đây vừa thể hiện ở những sản phẩm vật thể do cộng đồng các dân tộc miền núi tạo ra, vừa là vẻ đẹp trong chính con người họ vậy. Cùng tìm hiểu một vài điểm quan trọng mà chúng tôi ghi nhận được về yếu tố con người trong HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐẮK NÔNG: QUẢNG KHÊ YÊN BÌNH.
Con người Quảng Khê nhiệt tình, mến khách
Người M’Nông nói riêng, đồng bào người dân tộc miền núi nói chung rất mến khách. Dù chỉ là buổi đầu tiên gặp nhau nhưng họ đối đãi chúng tôi vô cùng nhiệt tình. Tại trạm quan sát xã Quảng Khê, cả đoàn được gặp anh em người dân tộc M’Nông, đồng thời cũng là kiểm lâm của khu vực này.
Ấn tượng đầu tiên về con người Quảng Khê là dáng vẻ hiền lành, đôn hậu. Chiều cao trung bình của người M’Nông không quá nổi bật. Nước da của các anh ngâm đen vì tháng ngày lao động vất vả. Thế nhưng, bên trong các anh vẫn toát ra được nguồn năng lượng của sự nhiệt huyết, mạnh mẽ. Hỏi thăm các anh, một người thì tên là Krai, người kia là Klong. Họ đều là những người đã yên bề gia thất. Điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn vất vả nhưng các anh lại vô cùng hào sảng, không hề e dè trong việc tiếp đãi chúng tôi.
Có thể nói, trong văn hóa của người M’Nông, tính cộng đồng được đề cập rất cao, qua những sử thi, thần thoại dân gian cũng cho chúng ta thấy rõ điều này. Chính vì vậy, khi đến xã Quảng Khê, chúng tôi càng thêm đề cao phẩm chất đáng quý này. Người dân ở đây sống chan hòa, dễ chịu. Trong mỗi hoạt động cùng nhau, họ rất đề cao sự đoàn kết vì mục đích chung của tập thể. Chính vì lẽ đó, khi chúng tôi nghỉ chân tại trạm quan sát, các anh đã hỗ trợ, giúp đỡ cả đoàn rất nhiều.
Trước các bữa ăn, các anh không ngần ngại mang những sản vật ở nơi đây để chúng tôi thưởng thức. Trong chuyến du khảo với đoàn, nhiều lần người dẫn đoàn đề xuất một số yêu cầu để thuận tiện cho chuyến đi hơn, các anh cũng sẵn sàng hưởng ứng. TRẢI NGHIỆM 1 NGÀY TẠI XÃ QUẢNG KHÊ không hề dễ dàng với những người mới đến, nhưng với sự hỗ trợ tận tình của các anh, chuyến đi trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Như các bạn đã biết, những cung đường ở Đắk Nông thật sự rất khó di chuyển, muốn có những trải nghiệm độc, lạ, các bạn phải vượt qua địa hình khá hiểm trở. Như ngày thứ hai, khi muốn tham quan khung cảnh thơ mộng “non xanh nước biếc” trên sông Đồng Nai chảy qua khu vực nơi đây, các anh sẵn sàng mang xe đèo chúng tôi vượt qua những con dốc cực kì hiểm trở.
Ngày xưa, bố của anh Krai vốn là trưởng làng của vùng đất này. Đến đời sau, anh là người đảm nhiệm cho việc chăm lo, bảo vệ rừng núi thân yêu của mình. Chính vì lẽ đó, mọi ngóc ngách trong khu vực Quảng Khê này, Krai nắm giữ rất rõ. Anh tận tình hướng dẫn để chúng tôi lựa chọn địa điểm du khảo cho phù hợp. Trong mỗi hành trình, Krai, Klong cùng với một số anh em chuẩn bị cho chúng tôi đồ ăn, khuân vác đồ đạc, nước uống cho cả đoàn.
Văn hóa Quảng Khê với tín ngưỡng đa thần
Người M’Nông ở Đắk Nông là dân tộc vẫn còn tồn tại tín ngưỡng đa thần cho đến hiện tại. Trước cơn lốc làm du lịch, nhiều bộ phận người dân tộc M’nông của vùng đất Quảng Khê thanh bình vẫn còn giữ gìn được bản sắc văn hóa vốn có của họ.
Trong buổi cơm chiều vào ngày đầu tiên đến trạm quan sát Quảng Khê, chúng tôi đã được nghe hai anh Krai và Klong kể rất nhiều về những câu chuyện thần thoại ở nơi đây. Các câu chuyện được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, sau thời gian dài tổng hợp, đúc kết với nhau, tạo thành những bài học quý báu cho đời sau.
Anh Krai chia sẻ tận tình với chúng tôi với cái giọng đặc biệt của người dân tộc miền núi ở Quảng Khê: “Mình biết nhiều câu chuyện ở nơi đây nhưng chỉ được nghe kể từ thế hệ cha ông đi trước. Bố của mình mới là người nắm giữ nhiều bí mật của vùng rừng núi bạt ngàn này”. Do chưa có điều kiện thích hợp, chúng tôi chưa có cơ hội ghé thăm ông để lắng nghe cụ thể hơn về những câu chuyện thần thoại từ một thế hệ đi trước.
Cũng như một số dân tộc hiếm hoi ở vùng núi còn sót lại, người M’Nông có niềm tin vào tín ngưỡng đa thần. Đối với họ, tất cả những thứ tồn tại trong cuộc sống của họ đều có sự tác động chi phối của thế lực siêu nhiên. Chính vì vậy, đây là cách đơn giản để người dân lí giải về các hiện tượng của tự nhiên qua các vị thần: thần ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình; thần đá bếp giữ lửa ấm, nấu ăn; thần rừng (Bõ Krõng) nuôi chim thú cung cấp lương thực cho người; thần núi (Yôk Nor); thần vũng nước sâu (Dak klõng),…
Qua lời kể mộc mạc, chất giọng chậm rãi, ôn tồn của anh Krai, chúng tôi được truyền tai những truyền thuyết về tên gọi của các địa danh trong vùng, thậm chí là cái tên Đắk Nông bây giờ cũng vậy. Câu chuyện xoay quanh những địa danh nổi tiếng như Thác Mặt Trời, hang cọp, cây đa cổ thụ trong buôn làng, … được xen kẽ với các yếu tố tâm linh, thần thoại nhưng trong trường hợp này, với những người yêu thích khám phá như chúng tôi thì đây là một trải nghiệm hết sức tuyệt vời.
Đêm xuống, được hòa mình trong thiên nhiên rừng núi trập trùng, kế bên lại được thưởng thức nét đặc sắc văn học dân gian truyền miêng của người dân tộc M”Nông ở Quảng Khê thì còn gì bằng. Từ những câu chuyện thú vị đó, các anh rút ra một số kinh nghiệm đi rừng, núi ở Đắk Nông để chúng tôi lưu ý. Có thể nói, cách đối đãi nồng hậu của người M’Nông giúp chúng tôi thấu hiểu hơn về con người, về tín ngưỡng đa thần ở nơi đây hơn.
Nét đẹp văn hóa Quảng Khê trong phong tục tập quán
Rựu cần – món quà quý giá của người M’Nông
Rựu cần, tiếng M’Nông gọi là Nam Yăng. Người M’Nông quan niệm rằng, rựu cần chính là món quà quý báu mà thần linh gửi gắm đến cho họ. Họ cho rằng thần linh đã phái sứ giả xuống để người dân học cách làm rựu cho thật ngon. Rựu cần là thức uống quý trong văn hóa Quảng Khê, bởi chỉ có những người đặc biệt quan trọng hay khách quý mới được thưởng thức. Món đồ uống này còn có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng bởi nó giúp những người trong gia đình, người thân, bạn bè gắn bó với nhau hơn.
Chính vì những lẽ đó, rựu cần có ý nghĩa rất quan trọng với những người dân sống M’Nông, nhất là vùng đất Quảng Khê, Đắk Nông. Thế nên, cách làm ra thức uống cao quý này cũng rất kì công và có những nguyên tắc nhất định. Anh Krai chia sẻ với chúng tôi rằng, rựu cần chỉ ngon chỉ khi nhờ vào bàn tay khéo léo của người phụ nữ.
Anh Bảo trong đoàn chúng tôi thì nửa thật nửa đùa cho rằng, chỉ có phụ nữ mới làm rựu cần ngon vì chỉ có họ mới đủ khả năng để làm người đàn ông say. Thế nên rựu cần mới có vị ngòn ngọt dịu nhẹ khi uống vào, nhưng nếu không biết dừng đúng lúc, rựu sẽ làm bạn say vào lúc nào không hay biết (!) Không những thế một số quy tắc trong quá trình làm rựu cũng cần được tuần thủ nghiêm ngặt như: phải làm vào mùa lúa chín, phụ nữ mang thai khi không làm được, không được làm gẫy cần.,…
Thế nhưng, không phải ai cũng có thể làm rựu cần ngon, phải nhờ vào cái duyên của mỗi người với cái nghề này. Thế nhưng, vợ của anh Krai là người làm rựu cần rất khéo. Anh cũng mở lời mời chúng tôi có dịp ghé nhà để thưởng thức nhưng do thời gian có giới hạn nên chúng tôi chỉ có thể tận dụng thời gian rảnh để nghe các anh kể về câu chuyện của vùng rừng núi hoang sơ này.
Nét đặc sắc văn hóa Quảng Khê gắn liền với nhà dài của người M’Nông
Nhà dài là nơi ở truyền thống từ bao đời của người dân đồng bào dân tộc M’Nông trong văn hóa Quảng Khê. Theo tập tục từ xa xưa, mỗi căn nhà dài là nơi cư trú của một gia tộc trong khu vực. Chia sẻ với chúng tôi Krai cho biết, lúc đầu, ngôi nhà chỉ có 1 gian lớn là nơi sinh hoạt của cả gia đình.
Dần dần, sau mỗi lần con cái dựng vợ gả chồng, họ lại nới ra thêm một gian. Thế nên nhà dài không chỉ thể hiện sự sung túc về mặt số lượng các thành viên trong gia đình mà nó còn là biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
Ngày nay, nét văn hóa này đã dần mai một, những căn nhà theo phong tục tập quán đã dần mất đi, nhường chỗ cho những căn nhà khang trang, hiện đại. Căn nhà tại trạm quan sát xã Quảng Khê là một trong những địa điểm hiếm hoi còn bảo tồn nét văn hóa quý báu này.
Vấn đề giáo dục ở Đắk Nông
Đẩy mạnh phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vẫn đang là mục tiêu hàng đầu trong vấn đề văn hóa – giáo dục của tỉnh Đắk Nông. Các ban ngành, tổ chức có liên quan vẫn không ngừng chung tay hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất tối đa để xóa mù chữ. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản trong việc đem con chữ đến các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Là một người có vị trí nhất định trong cộng đồng dân tộc M’Nông, anh Krai luôn mong muốn con của mình không bị thiệt thòi về mặt kiến thức. Mặt dù cuộc sống còn nhiều bộn bề, anh và vợ vẫn cố gắng tạo điều kiện để tất cả các con của mình đến trường đúng độ tuổi. Gia đình anh là một trong số những hộ hiếm hoi ở Quảng Khê cho con của mình theo đuổi việc học. Bởi hầu như cái nghèo, cái đói từ lâu đã là vũ khí vô hình làm chậm lại con đường phát triển của trẻ em ở đây.
Thấy được sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, anh Bảo, dẫn đoàn của chúng tôi, đã chuẩn bị quà để tặng cho một số trẻ em ở khu vực nơi ở của anh Krai. Thấy chúng tôi, các em sắp thành hàng ngay ngắn, lễ phép nhận lấy những chú gấu bông đáng yêu như những đứa bé ở nơi đây vậy.
Trong thấy nét vui tươi, hớn hở, hồn nhiên của các em, cái mệt của hành trình ngày hôm đó như vơi dần. Chỉ mong rằng, sự hỗ trợ nhỏ bé này sẽ là minh chứng để con người Quảng Khê thấy rằng, sẽ không có ai bị bỏ lại trong cuộc sống này, đâu đó sự tử tế vẫn còn hiện diện trong xã hội.
Văn hóa Quảng Khê cũng độc đáo như chính con người ở đây vậy. Người dân tộc ở Quảng Khê có cái tình, cái nghĩa vô cùng đậm đà khiến chúng tôi lưu luyến mãi không quên:
"Mình về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người"
Để xem thêm một số hành trình hấp dẫn khác của Tiêu Dao Tử mời các bạn vào Facebook và YouTube nhé!