Ở bài trước khi mình lên kế hoạch đi Xuyên Việt mình đã chia ra làm 5 phần để chuẩn bị sơ bộ nhằm hạn chế tối đa sự cố ngoài ý muốn. Hôm nay mình sẽ nói về đi Xuyên Việt cần bao nhiêu tiền ?. Các bạn có thể xem lại các phần khác tại liên kết bên dưới bài này.
Chủ đề chi phí khi đi du lịch là chủ đề luôn luôn gây tranh cãi đối với cộng đồng du lịch nói chung và các anh chị em phượt thủ nói riêng. Lý do đơn giản chính là mỗi người khi đi du lịch có một phong cách đi khác nhau, với các bạn có tiềm lực kinh tế ổn và đi theo tour thì vấn đề chi phí sẽ nhiều hơn và chi tiêu vào nhiều khoảng dịch vụ hơn để đổi lấy sự chăm sóc chu đáo từ dịch vụ để tận hưởng cảm giác thoải mái khi đi du lịch.
Đối với cộng đồng phượt thủ thì lại chú trọng vào trải nghiệm và tiết kiệm chi phí để “đi được nhiều nơi hơn”. Chính vì lý do đó, có những câu chuyện đi khắp Việt Nam với vài triệu đồng hay thậm chí 0 đồng nhưng cũng có những bài review tốn hàng chục triệu đồng cho chuyến đi. Vì vậy với mỗi chuyến đi của họ bạn hãy đứng ngay tại phương diện của tác giả mà nhìn nhận.
Vậy thì đi Xuyên Việt cần bao nhiêu tiền là đủ ?
Với mỗi chuyến đi của mình, để tính xem chuyến đi cần tốn bao nhiêu tiền, mình sẽ tính 5 loại chi phí sau đây (lưu ý là mình áp dụng cho chính mình cũng như mức trung bình thôi, không phải chính xác với tất cả mọi người vì mỗi người có mức chi tiêu khác nhau):
1. Chi Phí Ăn Uống
Trước khi đi du lịch xuyên việt mình đã tính sơ bộ trên giấy như sau: ngày ăn 3 bữa (ăn sáng-ăn trưa-ăn chiều) mỗi bữa ăn đơn giản 25k-30k / 1 phần ăn trung bình (thường thì mình chỉ ăn ngày 2 bữa thôi nhưng khi đi dài ngày và lộ trình xa, hoạt động nhiều sẽ tốn nhiều năng lượng hơn). Ngoài ra nước uống thì mình hay mua chai lớn nên chi phí cũng rẻ hơn so với các bạn mua nước chai nhỏ. Mình tính giá 10k cho 1 phần nước. mỗi ngày 30k cho Nước uống nhé.
- Ăn: 75k-90k
- Uống 30k
- Tổng: 105k – 120k/ngày
Mình đi 60 ngày nên tiền ăn tạm tính là: 120.000đ x 60 ngày = 7.200.000đ
Vậy bạn đi bao nhiêu ngày ? cứ lấy số ngày nhân vào sẽ ra số tiền ăn cho cả chuyến đi nhé. Ngoài ra nếu bạn có thói quen ăn sang thì cũng nên tính vào để số liệu càng chính xác hơn nha. Con số bên trên là con số tạm tính chứ thực tế mỗi ngày mình ăn 100.000đ đổ lại thôi vì mình rất hiếm khi ăn vặt.
2. Chi Phí Xăng Xe
Bạn cần tính sơ bộ hành trình của mình dài bao nhiêu km, đi bằng phương tiện gì, 1 chiều hay khứ hồi..v..v… Với mình thì hầu hết mình đi bằng xe máy nên mình sẽ tính dựa trên mức tiêu thụ nhiên liệu của xe mình và quãng đường trung bình mình sẽ di chuyển trong ngày nhé.
Tổng hành trình mình đi là 12.000km, cứ 1 lít xăng xe mình chạy được 30-35km (xe mình 2 máy, chứ xe các bạn winner hay ex thì cứ 60km/1 lít khỏe). Như vậy mình tốn 345-400 lít xăng:
400 lít x 23.000đ = 9.200.000đ
Mình đi trong 60 ngày nên mỗi ngày trung bình mình tốn 154.000đ tiền xăng. Bạn nên nhớ quảng đường bạn ước tính trên google maps chỉ là ước lượng đường đi ngắn nhất chứ không phải quảng đường thực tế vì khi đi thực tế bạn sẽ chạy vòng vèo hơn, luôn luôn là vậy. Còn các trường hợp đi nhầm đường, lạc đường, đi dạo, đi khám phá…
Nếu bạn đi xe máy thông thường, 1 lít xăng chạy được 50-60km thì cứ tính quảng đường trung bình mà nhân vào nhé. Giả sử hành trình của mình đi bằng exciter xem nào
12.000km / 60km = 200 lít xăng
200 lít x 23.000đ = 4.600.000đ
4.600.000 / 60 ngày = 77.000đ/ngày .
Đấy, chi phí giảm 1 nữa so với chuyến đi của mình rồi.
3. Chi Phí Lưu Trú
Với các bạn ở nhà nghỉ thường xuyên thì chi phí trung bình là 200-250k/đêm, kiếm được giá rẻ thì 150k vẫn có. Mình thì luôn ưu tiên phòng DOM ở các Homestay nên giá trung bình là 80k-100k/ngày. có điều phòng Dom thì bất tiện vì ở tập thể. 1 phòng Dom thường gồm 4-6 giường tầng, vậy là khoảng 8-16 người trong 1 phòng, khá hỗn tạp nếu bạn không quen và không giỏi trong việc bảo quản tài sản cá nhân. Xem thêm vài viết chia sẻ của mình về kinh nghiệm ở phòng Dom khi đi du lịch nhé !
80-100k x 60 ngày = 6.000.000đ
Mình có đem cả lều theo để nghỉ ở những nơi không có dịch vụ lưu trú hay chi phí lưu trú quá đắt chẳng hạn, ngoài ra mình cũng kết hợp với ở nhờ nhà dân mỗi nơi mình đến nên chi phí lưu trú thật sự giảm đi rất nhiều so với chi phí ước tính bên trên.
Một số nơi mình ở nhờ kể sơ sơ như: Sài Gòn 2 ngày ở nhờ nhà bạn Cơn Mưa Nhỏ, Đà Nẵng 8 ngày ở nhờ N’Am Homestay, Thanh Hóa ở nhờ 3 ngày nhà anh Tuấn, Hải Phòng 1 ngày ở nhà anh Nam, Quảng Ninh 2 ngày, Bình Liêu 1 ngày dựng trại ở biên giới, Lai Châu 1 ngày, vậy sơ sơ mình đã tiết kiệm chi phí lưu trú cho 18 ngày, tương đương tiết kiệm 1.800.000đ
4. Chi Phí Dịch Vụ
Chi phí này cũng là loại chi phí gây tranh cãi nhiều vì tùy thuộc vào việc bạn chi tiêu có mạnh tay cho các loại hình dịch vụ, khám phá… nơi bạn đến hay không, bạn có đi khám phá nhiều hay không. Ví dụ khi đến mỗi địa danh, mình sẽ cố gắng khám phá thật nhiều địa danh du lịch lân cận đó. Mỗi địa danh du lịch thường tốn chi phí vé vào cổng, một số nơi chi phí khá cao cho dịch vụ đi kèm như: Động Phong Nha, Tràng An, Tam Cốc Bích Động vì những nơi này bắt buộc phải đi thuyền nên chi phí sẽ cao hơn.
Ngoài ra ở Phong Nha Kẻ Bàng có nhiều địa điểm để khám phá nên chi phí vào cổng cũng sẽ nhiều hơn so với một số nơi. Vì vậy riêng mức chi phí ở khoản dịch vụ mình sẽ không tính ra cụ thể được. Với số lớn nơi khác là thiên nhiên hoang dã nên không tốn chi phí tham quan như: Núi Mắt Thần ở Cao Bằng, Tứ đại đỉnh đèo, các ruộng bậc thang, danh lam thắng cảnh dọc theo cả đất nước Việt Nam chúng ta nữa.
5. Chi Phí Phát Sinh Khác
Chi phí này là khoản chi phí dự trù cho các sự cố phát sinh như: thuốc nếu bị bệnh, sự cố về máy móc xe cộ, chi phí party này nọ nếu cao hứng, hì hì. Chi phí này lưu động tùy theo khả năng tài chính của bạn nhé. Riêng mình thay lốp xe sau đã hết 4.000.000đ hơn rồi đấy, chi phí vá xe trước khi lốp xe mòn đến bố nữa chứ.
CHI PHÍ TỔNG
Như vậy sau khi tính sơ bộ, chuyến hành trình xuyên việt bằng yamaha R3 của mình đã tốn chi phí:
7.200.000 ăn + 9.200.000 xe + 6.000.000 ở = 22.400.000 + dịch vụ + 4.500.000đ vỏ xe, vá xe
Mình nhớ không lầm thì sau chuyến đi, tổng chi phí của mình rơi vào khoảng 30.000.000đ, như vậy chi phí ước tính và chi phí thực tế là gần tương đồng. Điều đó chứng minh việc chúng ta dự trù trước cho một hành trình dài là điều vô cùng cần thiết, các bạn tuyệt đối đừng nên bỏ qua giai đoạn này nhé. Tính toán chi phí dự trù cho chuyến hành trình xuyên việt của bản thân là điều không thể thiếu nha.
Hy vọng chút thông tin của mình gửi đến các bạn sau chuyến hành trình sẽ sẽ giải đáp hoặc ít nhất giúp các bạn tự mình hình dung được đi Xuyên Việt cần bao nhiêu tiền. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết kế tiếp: Chuẩn bị sức khỏe khi đi du lịch Xuyên Việt
Kênh video dài trên nền tảng Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCzhhP7ZjHKnh77sYv8PdpRA
Kênh video ngắn trên nền tảng Tiktok: https://www.tiktok.com/@dicungtieudaotu
Fanpage Facebook để chia sẻ ngẫu hứng: https://www.facebook.com/dicungTieuDaoTu