Đã bao giờ bạn leo núi vào ban đêm chưa, đặc biệt là ngọn núi còn hoang sơ như núi Tượng – một trong 7 ngọn núi của vùng Thất Sơn huyền bí An Giang. Hãy cùng Tiêu Dao Tử khám phá xem ban đêm ở nơi này có gì qua bài viết bên dưới nhé!
SƠ LƯỢC VỀ NÚI TƯỢNG (LIÊN HOA SƠN)
Núi Tượng còn được gọi là Liên Hoa Sơn, nằm tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam. Núi Tượng thấp nhỏ, chỉ cao 145 m và chu vi 3.825 m. Núi Tượng là một trong 7 núi của Thất Sơn An Giang. Từ xa, hình núi trông giống hình dạng con voi nên có tên là Núi Tượng.
Tuy là ngọn núi nhỏ và không quá cao như những núi khác trong cụm Thất Sơn huyền bí, tuy nhiên nơi đây lại ẩn chứa nhiều câu chuyện tâm linh, nhiều chiến tích lịch sử hào hùng trong thời kỳ chống Khmer đỏ (Pôn Pốt) năm xưa.
Khám phá núi Tượng có thể thấy, có nhiều hang đá sâu, là nơi ẩn nấp của người dân trong trận chiến Pôn Pốt (1978). Đây là nơi tu hành mở đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một hệ phái của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Cùng xem tiếp những câu chuyện huyền bí tại đây nhé!
NHỮNG CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ XOAY QUANH NÚI TƯỢNG
Trước năm 1870, vùng núi này hãy còn hoang vu, nhưng kể từ năm này, nhờ ông Ngô Lợi , người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa), dẫn dắt một số đệ tử vào vùng núi Tượng khai hoang lập những thôn ấp, mà sau này trở thành làng An Định, An Hòa, An Thành, An Lập; dựng chùa Tam Bảo, chùa Phi Lai khiến nơi đây ngày một trở nên đông đúc.
Ngày 18 tháng 4 năm 1978, khi quân Pôn Pốt từ Campuchia tràn vào xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc). Đông đảo người dân quanh vùng đã kéo nhau lên Núi Tượng, tìm các hang đá sâu và hẻo lánh để ẩn nấp.
Mười một ngày sau, khi quân Pôn Pốt bị đánh đuổi, tại nhiều nơi trong đó có chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai và các hang của Núi Tượng như: Dồ Đá Dựng, Cây Da, Ba Lê, Tám Ất… và những nơi khác đã phát hiện nhiều xác dân thường bị quân Pôn Pốt lùng sục và thảm sát.
Do một số xác người ở hang quá sâu, không thể mang lên, thân nhân phải lấp kín miệng hang. Theo Bia Căm thù Ba Chúc, số người bị thảm sát là 3.157 dân thường. Hiện nay Nhà Mồ Ba Chúc trưng bày 1.159 bộ hài cốt nạn nhân cuộc thảm sát này.
Hiện nay, mỗi du khách khi đến khám phá núi Tượng – Ba Chúc thì các bạn có thể ghé một vài địa điểm du lịch xung quan đó như:
- Nhà Mồ Ba Chúc
- Tú Dương Miếu với cảnh sắc cô liêu, thanh tịnh.
- Cây dầu 300 tuổi ở chân núi Tượng.
- Chùa Phi Lai
- Chùa Tam Bửu – được xem như là Tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (gọi tắt là “Hiếu Nghĩa”).
Những địa điểm này gắn liền với các chiến tích lịch sử gian đoạn chống Khmer đỏ của nhân dân An Giang, chính vì vậy đừng bỏ lỡ những nơi này mỗi lần có dịp ghé Ba Chúc khám phá núi Tượng.
KHÁM PHÁ ĐỈNH PHỤNG HOÀNG SANG (NÚI TƯỢNG) VÀO BAN ĐÊM
Di chuyển thuận lợi và được tiếp đón nồng hậu
Bắt đầu di chuyển bằng xe máy từ Cần Thơ lúc hơn 6 giờ chiều, mất khoảng 3 giờ để đến được chân núi Tượng. Vì biết núi còn hoang sơ và buổi tối rất khó tìm được đường lên núi. May mắn chúng tôi liên hệ được một anh ở khu vực này.
Tính tình hiền lành, nhân hậu và nồng nhiệt là những từ mà chúng tôi dùng để miêu tả về anh, là người “được chọn” để hương quả và chăm sóc ngọn núi này, hằng ngày đều lên đỉnh cúng kiếng và dẫn dắt khách hành hương lên cúng viếng nơi này hoàn toàn miễn phí và bằng cả tấm chân thành hiện rõ trên gương mặt anh.
Gửi xe ở nhà anh, chúng tôi được anh tận tình dẫn đường lên đỉnh núi để camping, tham quan ngắm cảnh qua đêm. Đường lên núi ở đây hoàn toàn tối om và vắng vẻ, chỉ nghe đâu đó tiếng của những loại bò sát, côn trùng,.. trên núi hòa âm với nhau.
Trên đường di chuyển, giữa đường chúng tôi gặp khá nhiều những vị “chủ nhà” ra tiếp đón “nồng hậu”. Nằm giữa đường và cuộn tròn lại, những “ông” rắn đã tiếp đón chúng tôi như vậy. Rắn ở đây rất độc, lại nằm ẩn trên những lớp lá khô hay bụi cỏ ven đường rất khó để phát hiện nếu không phải là người rành đường nơi đây. Thậm chí, khi được chỉ chỗ, anh em chúng tôi phải căng mắt ra nhìn một lúc mới có thể nhận ra.
Cách giải quyết là dùng cây dài dời chỗ của các ông ấy ra nơi khác rồi di chuyển ngang, nghe nói lại rằng ban ngày sẽ rất hiếm gặp nên chúng tôi cũng yên tâm phần nào. Tiếp tục di chuyển lên, đỉnh Phụng Hoàng Sang của núi Tượng cũng không quá cao, đường lên thì lại khá dốc nên rất nhanh chóng chúng tôi đã lên được đến đỉnh núi.
Khám phá đỉnh núi Tượng (đỉnh Phụng Hoàng Sang) về đêm
Đỉnh núi không quá cao nhưng đủ để nhìn ngắm bao quát quan cảnh của nơi này, được bao bọc bởi những ngọn núi lớn xung quanh, mờ ảo và huyền diệu. Đồng bằng rực sáng với những ánh đèn của nhà dân, cảm giác trên cao nhìn xuống luôn tuyệt vời theo một cách riêng như vậy.
Nơi này có hẳn một khu vực để nấu nướng, những vật dụng nhà bếp và thức ăn như mì gói, hành, ớt, chanh và gia vị được anh trang bị đầy đủ. Thậm chí, một cái hang còn được trang trí lại như một phòng ngủ cho những khách lỡ đường ở lại qua đêm. Ở đây còn có những bộ bàn ghế được xếp từ những tảng đá bằng phẳng, cùng với đó là rất nhiều võng mắc sẵn cho khách hành hương đến nơi này có chỗ nghỉ chân để cúng viếng.
Anh dẫn chúng tôi tham quan và cúng viếng cả khu vực đỉnh núi này, còn căn dặn và chỉ dẫn tận tình. Những tảng đá có hình dạng rồng, phượng, voi hay những con vật anh đều nhìn ra và chỉ dẫn chúng tôi tỉ mĩ.
Sau một thời gian di chuyển mệt mỏi, uống một ngụm nước sâm hồng được nấu từ thân cây sâm hồng ở đây, thật sự ngon hơn bất kì loại nước mát nào mà chúng tôi đã từng được thưởng thức qua trước đó.
Vì đã trang bị sẵn thức ăn như mì ly và lều trại để ở lại qua đêm trên núi, nên chúng tôi chỉ xin nhờ bếp để nấu nước và nướng, một khoảnh sân trống được đúc bằng xi măng để dựng trại. Buổi tối ở đây khá mát mẻ, mấy anh em cùng nhau nướng, trò chuyện, thưởng thức âm nhạc và ngắm cảnh, thật sự chill luôn đó!
Bình minh trên đỉnh Phụng Hoàng Sang trong hành trình khám phá núi Tượng
Buổi sáng nơi đây vô cùng mờ ảo, mây trắng phủ kín những ngọn núi cao xung quanh, vẽ ra những bức tranh tuyệt đẹp cho vùng Thất Sơn huyền bí này. Thưởng thức 1 cốc café sữa, thêm ly mì nóng hổi và ngắm cảnh, tuyệt vời!
Trên đỉnh Phụng Hoàng Sang này có một cây phượng rất lớn, may mắn cho chúng tôi là đi đúng vào mùa phượng nở rộ và rực rỡ nhất. Tiếp tục đi vòng quanh khu vực này khám phá trước khi xuống núi. Chúng tôi thấy được thêm rất nhiều điểm thú vị nơi đây.
Đoạn đường xuống núi dễ dàng hơn rất nhiều, không có nhiều loài bò sát đã thấy lúc tối, di chuyển xuống cũng nhanh và đỡ mất sức hơn. Còn có thể nhìn ngắm được khung cảnh trên đường đi, mới thấy rõ được vẻ đẹp của rừng tre nơi đây.
Chỉ mất vài chục phút, chúng tôi đã đến chân núi, kết thúc hành trình khám phá núi Tượng (đỉnh Phụng Hoàng Sang). Hành trình chinh phục Thất Sơn huyền bí của Tiêu Dao Tử vẫn còn nhiều điều thú vị các bạn đừng bỏ qua nhé!
Xem thêm tại đây:
>>> Leo bộ chinh phục đỉnh núi Cô Tô về đêm
>>> Lần đầu săn mây trên đỉnh núi Cô Tô cực hấp dẫn
>>> Khám phá núi Cấm về đêm – Ngọn núi cao nhất trong cụm Thất Sơn huyền bí An Giang
Các bạn truy cập Facebook và YouTube để tìm hiểu thêm nhiều chuyến khám phá đầy thú vị trên mọi miền đất nước cùng Tiêu Dao Tử nhé!