KHÁM PHÁ NÚI ÔNG KÉT – VẺ ĐẸP HÙNG VĨ VÙNG THẤT SƠN HUYỀN BÍ - đi cùng Tiêu Dao Tử

KHÁM PHÁ NÚI ÔNG KÉT – VẺ ĐẸP HÙNG VĨ VÙNG THẤT SƠN HUYỀN BÍ

núi ông két an giang

Núi Ông Két là một trong số 7 ngọn núi của vùng Thất Sơn huyền bí An Giang, phong cảnh tuyệt đẹp gắn với nhiều câu chuyện tâm linh của nơi này đã thu hút lượng lớn du khách đến tham quan và cúng viếng. Cùng xem bài viết dưới đây để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của ngọn núi này nhé!

Xem thêm về trải nghiệm sau những chuyến khám phá Thất Sơn huyền bí của Tiêu Dao Tử:

>>> Từ Cần Thơ đến Tri Tôn: Khám phá núi Cô Tô trong 1 ngày

>>> Khám phá núi Cấm về đêm – ngọn núi cao nhất trong cụm Thất Sơn huyền bí An Giang

SƠ LƯỢC VỀ NÚI ÔNG KÉT

Núi Két (hay Anh Vũ Sơn) là ngọn núi nhỏ cao khoảng 225m so với mặt nước biển. Người dân địa phương và du khách hành hương thì quen gọi núi Ông Két, là một trong những ngọn núi cao của vùng đất An Giang linh thiêng.

Núi ông két
Tảng đá lớn có hình dạng chim két

Ngọn núi này thuộc ấp Núi Két, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, cách núi Cấm khoảng 20km. Núi Ông Két tiếp giáp với phía Đông của thị trấn Nhà Bàng, được bao bọc bởi những ngọn núi khác: núi Đất, núi Trà Sư và núi Bà Đắc. Sở dĩ có tên gọi là “Núi Két” là vì trên vách núi phía Tây, ở độ cao khoảng 100m tính từ chân núi, có một tảng đá to nằm nhô ra trông giống mỏ của một chú chim két.

Để đến được núi Ông Két, chúng tôi men theo quốc lộ 91 từ thành phố Long Xuyên đi Tịnh Biên. Sau đó, rẽ qua đường Tỉnh lộ 948 hướng về Tri Tôn, đi thêm một đoạn là đến được núi Két. Đường đến núi Két với một bên là đồng bằng, một bên là vùng núi cao, chạy dài theo trục chính của dãy Thất Sơn.

Núi ông két
Anh vũ sơn

Từ xa xa, du khách ngước nhìn lên có thể nhìn thấy đầu “Ông Két” nhô ra ở lưng chừng núi. Trên đường khám phá vẻ đẹp của núi Ông Két, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những dãy núi nổi tiếng ở đây như núi Dài, núi Cấm, núi Bà Đội Om, v.v… Nơi này gắn liền với nhiều câu chuyện tâm linh, về sự tích núi ông Két. Hãy đến đây để khám phá vẻ đẹp trên đỉnh núi Ông Két nhé!

KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP NÚI ÔNG KÉT

Với đường lên đỉnh núi khoảng 600 mét, được xây dựng nhiều bậc thang với lối đi được che chắn an toàn. Du khách khi đi dần lên núi sẽ được tham quan nhiều địa điểm như: Sân Tiên, Giếng Tiên, các tòa điện: điện Ngọc Hoàng, điện Chư Thần, điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi, đặc biệt là chinh phục mỏ Ông Két…

Chinh phục mỏ Ông Két

Độ chừng 20 phút để có thể đi từ chân núi lên mỏ Ông Két. Từ độ cao trên 100m, bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn khung cảnh thiên nhiên bao la rộng lớn nơi đây.

Núi Ông Két
Mỏ Ông Két

Mỏ Ông Két quay về hướng Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm Giếng). Trên một ngọn núi cao, những tảng đá lớn được chất chồng lên nhau với hình dáng đặc biệt, như một món quà mà tạo hóa ban tặng cho vùng Thất Sơn huyền bí này.

Núi ông két
Nơi đây có thể nhìn bao quát toàn cảnh bên dưới tuyệt đẹp

Từ mỏ Ông Két có thể nhìn ngắm xuống đồng bằng với những mảnh ruộng lớn, bao quanh là những dãy núi cao sừng sững, hòa cùng bầu trời trong xanh và mát lành đã vẽ nên cho nơi này một quan cảnh vô cùng hữu tình và hùng vĩ.

Tham quan bãi Giếng Tiên

Tên gọi “Giếng Tiên” xuất phát từ truyền thuyết giếng này vốn do thần tiên ban tặng. Nguồn nước không biết đến từ đâu nhưng quanh năm giếng chưa từng khô nước. Nước giếng cũng đặc biệt trong vắt và mát rượi. Điều đặc biệt đó là, giếng nằm ở hang sâu trong động. Nhưng ánh sáng vẫn len lỏi vào tới và gió thoảng rất thoáng mát. Người dân xứ An Giang vẫn thường đùa mà nói rằng “giếng của tiên nên thế”.

Núi ông két
Tham quan bãi Giếng Tiên trên núi Ông Két

Du khách còn truyền tai nhau rằng, khi đến Giếng Tiên nhớ rửa tay bằng nước giếng. Giúp “rửa tội”, cầu điều an lành, may mắn.

Đến điện U Minh

Điện U Minh là nơi thờ Diêm Vương – vị chúa tể cõi âm. Đến điện U Minh của núi Ông Két, du khách phải đi men theo các triền đá ven vực thẳm, luồn qua những ngõ ngách âm u để vào trong lòng núi.

Núi ông két
Điện u minh

Bước chân vào điện, cái đập vào mắt đầu tiên chính là 2 pho tượng đá mãng xà khổng lồ. Mãng xà ở trước điện được khắc tạc khá đáng sợ với cặp mắt sắc nhọn, hướng nhìn hếch lên. Có người cho rằng, mãng xà vì là linh thú canh cổng nên phải hung tợn để tránh quỷ tà xâm nhập. Có người lại nói, vốn dĩ âm phủ là nơi phạt những người tàn ác lúc sinh thời. Nên mọi vật ở đây đều phải có hình ảnh hung tợn để răn đe người khác.

Ngoài những địa điểm trên, núi Ông Két còn có rất nhiều những tòa điện và nơi thờ tự những vị phật, chư thần mà du khách đến đây có thể thắp hương cúng viếng để cầu bình an cho gia đình.

Núi ông két
Ở trên núi có nhiều điện thờ cúng các chư vị

NÚI ÔNG KÉT – ĐIỂM ĐẾN TÂM LINH

Hiếm có nơi nào lại lưu dấu nhiều bậc cao nhân như núi Ông Két. Ngọn núi này có rất nhiều hang động, là nơi có nhiều cao nhân về đây tu hành. Một trong những người được nhắc tới nhiều nhất là danh tăng Đoàn Minh Huyên (tức phật thầy Tây An), người sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, đồng thời cũng là nhà yêu nước, nhà dinh điền có công khai hoang nhiều vùng đất ở miền Tây Nam bộ.

>>> Xem thêm: Thực hư về chuyện núi Két quay đầu về núi Cấm

Núi ông két
Đoạn Trần Kiều trên núi Ông Két

Ông có nhiều đệ tử giỏi, là danh tăng, lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp như đức cố quản Trần Văn Thành, Đạo Thắng, Tăng Chủ, Đạo Xuyến, Đạo Lập… Đức Huỳnh Phú Sổ – người lập nên hệ phái Phật giáo Hòa Hảo, cũng từng lưu lại ngọn núi này và hiện tại đây vẫn còn điện thờ ông.

Ngoài ra, một nhân vật khá nổi tiếng từng đến núi Ông Két tu tập là cụ Cử Đa (Nguyễn Văn Đa), quê ở Phù Cát, Bình Định (cũng có tài liệu nói quê cụ ở Mỹ Tho, Tiền Giang), thi đỗ cử nhân võ, tham gia chống Pháp. Việc lớn không thành, Cử Đa bị Pháp truy gắt quá đã vào miệt Thất Sơn ẩn tu, lấy đạo hiệu là Ngọc Thanh.

Núi ông két
Điểm đến tâm linh cho du khách đến hành hương

Người ta đúc kết trước sau đã có hơn mười vị cao nhân đến núi Két tu hành đắc đạo. Chính điều đó đã làm nên sức hút cho ngọn núi thiêng này, với những ngày cao điểm có tới vài ngàn lượt khách hành hương chiêm bái.

Ở gần chân núi Ông Két còn có các di tích rất được nhiều người đến thăm viếng và cúng bái đó là Đình Thới Sơn, Chùa Thới Sơn vì các nơi thờ này đều gắn liền với thời lưu dân đi mở đất và với giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Với những câu chuyện huyền thoại liên quan đến giáo phái này đã tạo nên vẻ đẹp bí ẩn, mầu nhiệm của vùng Bảy Núi.

KINH NGHIỆM THAM QUAN NÚI ÔNG KÉT

Đặc thù của khí hậu miền nam có 2 mùa khô và mưa rõ rệt, chính vì vậy, nếu có ý định du lịch núi Ông Két, bạn có thể đi vào mùa khô để thuận tiện và an toàn hơn cho chuyến đi của mình. Mùa khô nơi đây có nắng nhẹ, thoáng mát và không trơn trượt rất thích hợp để đi Thất Sơn.

Núi ông két
Núi ông két là một trong 7 núi của vùng Thất Sơn huyền bí An Giang

Trong chuyến đi khám phá vùng Thất Sơn huyền bí này, bạn nên chuẩn bị:

  • Trang phục: Do đây là địa điểm tín ngưỡng tâm linh cộng với thời tiết có nắng. Du khách nên chọn cho mình trang phục kín đáo, lịch sự. Nhớ mang theo nón, găng tay, kem chống nắng, kiếng mát…Nên mang giày thể thao thoải mái để bảo vệ chân và tránh trượt khi leo núi.
  • Nên mang theo nước vì lên núi sẽ khó mua nước dọc đường vì thế bạn cần chuẩn bị trước.
  • Cuối cùng, nhớ mang cho mình một sức khỏe tốt, một tâm trạng thoải mái để chuyến đi được trọn vẹn nhất nhé !

Núi Ông Két là ngọn núi đẹp và ẩn chứa nhiều điều mầu nhiệm, nếu có dịp ghé thăm vùng Thất Sơn huyền bí, bạn nên ghé qua nơi đây để tham quan, chiêm ngưỡng và chiêm bái nhé!

Để có trải nghiệm chân thực hơn về đỉnh núi Ông Két, bạn có thể xem thêm tại đây.

Các bạn truy cập Facebook và YouTube để tìm hiểu thêm nhiều chuyến khám phá đầy thú vị trên mọi miền đất nước cùng Tiêu Dao Tử nhé!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

error: